Diệt trừ sâu róm hại thông bằng phương pháp xông khói
Phương pháp xông khói hóa chất được thực hiện tại rừng thông nhiễm sâu róm ở thôn Khuổi Lỷ, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình |
Lạng Sơn có gần 200.000ha rừng trồng thông trong tổng 650.000 ha đất lâm nghiệp. Cây thông chủ yếu được trồng tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Chi Lăng. Từ năm 1970 đến nay, thông mã vĩ thường xuất hiện các loại sâu róm phá hại và gây hại nhiều nhất kể từ năm 2007 đến nay. Khi sâu róm phá hại, cây thông bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, giảm sản lượng nhựa, thậm chí chết cây, làm thiệt hại nặng nề về kinh tế cho chủ rừng. Không những thế, sâu róm hại thông còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và môi trường sinh thái. Trong số các loại sâu thì có sâu róm 4 túm lông là loại gây hại mạnh nhất trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm gần đây, năm nào Lạng Sơn cũng phát sinh dịch sâu róm thông. Điển hình năm 2009 có trên 20.000 ha, năm 2010 trên 12.000 ha, năm 2011 trên 6.000 ha thông bị nhiễm sâu róm.
Ông Nông Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: trước sự phá hại nặng nề của sâu róm thông, hai năm gần đây, đơn vị đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài sâu róm hại thông mã vĩ và đề xuất các biện pháp phòng trừ tại Lạng Sơn” để tìm ra phương pháp phòng, trừ sâu róm thông hiệu quả nhất. Trong số các phương pháp đã nghiên cứu và thử nghiệm như: phòng, trừ cơ giới (bắt sâu); biện pháp vật lý (bẫy đèn); phun thuốc hóa chất hoặc chế phẩm sinh học… thì phương pháp xông khói đem lại hiệu quả hơn cả.
Đối với phương pháp xông khói, chỉ cần dùng máy phun mù nhiệt SS-150F (xuất xứ Hàn Quốc) phun hóa chất Eco Cyper 350EC, hoạt chất Cypermethrin (gốc cúc tổng hợp) và dung môi pha chế (dầu diesel) phun lên cây thông bị nhiễm sâu róm.
Chị Nguyễn Thùy Linh, chuyên viên Phòng Quản lý và Bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương pháp diệt trừ khác. Máy có tác dụng đốt hóa chất thành khói chứa các hạt hóa chất bay lên phía trên tán lá, diệt sâu róm. Ngay sau khi xông khói, sâu róm sẽ rơi xuống mặt đất và tỷ lệ sâu chết gần 100%. Địa hình rừng thông (núi cao, dốc, không có nguồn nước, diện tích rất rộng) không thuận lợi cho việc phun thuốc nước hoặc thuốc bột, trong khi đó, máy xông khói gọn nhẹ, dễ di chuyển. Độ phủ của khói rộng, bao trùm cây và không gian có sự xuất hiện của sâu róm. Việc phun thuốc nước hoặc thuốc bột ở trên cao sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của cư dân phía dưới. Còn việc phun khói sẽ không gây tác động tới môi trường. Ngay khi phun, khói có tác dụng diệt trừ côn trùng trên cây và sau đó tan trong không gian, không gây ảnh hưởng tới nguồn nước đầu nguồn. Với phương pháp xông khói có thể áp dụng trên diện rộng mà không phá hủy thảm thực vật và làm nguy hại đến thiên địch khác.
Với chi phí 30 triệu đồng/chiếc, các chủ rừng hoàn toàn có thể chung nhau mua máy xông khói để áp dụng phương pháp trên. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: qua thử nghiệm cho thấy phương pháp xông khói diệt trừ sâu róm thông khá an toàn và hiệu quả. Từ trước đến nay, tại Lạng Sơn chưa có một phương pháp phòng, trừ hữu hiệu nào đối với sâu róm thông. Đây là phương pháp mới được Chi cục khuyến khích chủ rừng áp dụng.
Ý kiến ()