"Ðiệp khúc" triều cường vỡ bờ bao
Nhiều năm qua, cứ đến mùa triều cường (đầu năm và cuối năm), hàng nghìn người dân TP Hồ Chí Minh lại nơm nớp nỗi lo ngập úng, vỡ bờ bao. Ðể hạn chế điều này, các ban, ngành thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chống ngập, vỡ bờ bao. Tuy nhiên, chất lượng của những công trình này vẫn chưa làm người dân hết lo lắng.
Nhiều năm qua, cứ đến mùa triều cường (đầu năm và cuối năm), hàng nghìn người dân TP Hồ Chí Minh lại nơm nớp nỗi lo ngập úng, vỡ bờ bao. Ðể hạn chế điều này, các ban, ngành thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chống ngập, vỡ bờ bao. Tuy nhiên, chất lượng của những công trình này vẫn chưa làm người dân hết lo lắng.
* Vỡ bờ bao, hàng trăm hộ dân ở TP Hồ Chí Minh bị ngập nặng
Tối 4-12, một đoạn bờ bao dài khoảng 15 m thuộc rạch Cầu Làng thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức bị vỡ. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, sự cố này đã làm 200 hộ dân nằm ở tổ 54 và 54A khu phố 8 bị ngập, khoảng 200 ha hoa màu, cây cảnh bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thu Thủy, ngụ ở đường 42, phường Hiệp Bình Chánh cho biết: “Do nước ngập quá nhanh nên nhiều đồ đạc trong gia đình bị ướt hết. Mọi người trong gia đình tôi cũng phải di tản trong đêm nhằm giữ an toàn tính mạng”. Trong khi đó, theo ghi nhận, nhiều vườn mai cảnh của các hộ dân bị triều cường làm ngập có nguy cơ không nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ðến sáng 5-12, nhiều tuyến đường của phường Hiệp Bình Chánh vẫn ngập nặng mặc dù trước đó, chính quyền địa phương đã huy động các loại máy bơm để bơm nước ra ngoài. Nhiều hoạt động, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố này.
Tình trạng vỡ bờ bao không phải là chuyện mới đối với quận Thủ Ðức cũng như TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua. Tại các quận, huyện như: Thủ Ðức, Bình Thạnh, quận 12… hầu như năm nào cũng xảy ra ít nhất một vài vụ vỡ bờ bao gây thiệt hại rất lớn cho người dân.
Tháng 10 vừa qua, tại hẻm 319, Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh cũng xảy ra vụ vỡ bờ bao gây thiệt hại về tài sản, cây cảnh đối với hàng trăm người dân. Ðiều đáng nói, các bờ bao từng bị vỡ này đều được xây bằng tường chắn. Tuy nhiên, theo giải thích của người dân tại những khu vực này, nguyên nhân vỡ bờ bao là do việc thi công các công trình chưa đạt chất lượng theo yêu cầu.
Cũng theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, tại những khu vực này nền đất rất yếu nên khi thi công các công trình đòi hỏi có độ bền thì công tác khảo sát, thi công phần móng phải chu đáo. Tại các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Ðức), quận 12… ngoài những bờ bao đắp bằng đất bị vỡ thì cũng có không ít đoạn bờ bao bằng rào chắn bê-tông bị nước cuốn trôi.
Thực trạng này khiến nhiều người dân sinh sống ở đây nơm nớp lo lắng mỗi lần triều cường lên cao. Trước tình trạng nhiều bờ bao liên tục bị vỡ, người dân đang đặt ra câu hỏi: Tại sao hằng năm thành phố đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng bờ bao, bờ kè để chống ngập, chống tràn bờ nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa thấy rõ. Nhiều năm qua, người dân tại các khu vực này vẫn phải hứng chịu những đợt triều cường dâng cao gây thiệt hại về tài sản.
Theo ông Huỳnh Công Hùng, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh: Việc xây dựng đê bao không chỉ ngăn triều cường mà còn phải có tác dụng như một tuyến đường bảo đảm an toàn ở khu vực nông thôn. Ðiển hình như ở quận Thủ Ðức, quận 12 và huyện Củ Chi đều nằm trên một tuyến đê bao. Vấn đề là các cơ quan chức năng phải có quy hoạch hợp lý, khoa học và phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu để bảo đảm tính bền vững thì việc xây dựng các tuyến đê này mới đạt hiệu quả tối đa. Trong thời gian qua, hầu hết các tuyến đê bao bị vỡ là do có kích thước rất nhỏ và mong manh, cho nên khi áp lực nước triều cường lên cao thì việc vỡ bờ cũng là chuyện đương nhiên.
Theo chúng tôi, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc để vỡ bờ bao tại địa phương mình. Là cơ quan quản lý trực tiếp, trong các đợt triều cường, thành phố cũng như các đơn vị, sở, ngành đều có công điện thông báo về việc yêu cầu kiểm tra, gia cố các đoạn bờ bao xung yếu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vỡ bờ bao vẫn liên tục diễn ra và trách nhiệm thường được đổ lỗi là do… triều cường lên cao, tức là do hiện tượng tự nhiên.
Cách đây ba năm, TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương sử dụng thanh nhựa PVC thay cho cây cừ tràm để triển khai thực hiện kè bờ cho 2.000 km bờ bao của thành phố. Ðây là một loại vật liệu mới có tính ứng dụng rất tốt mà UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay các dự án vẫn chưa được triển khai, mặc dù thành phố đã nhiều lần có văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện.
Như vậy, trong khi chờ các dự án khả thi hơn việc dùng cây cừ tràm, nhiều người dân vẫn phải tiếp tục sống trong nỗi lo vỡ bờ bao. Những thiệt hại về tài sản của người nông dân do triều cường là rất lớn và khi thiệt hại cũng không biết bắt ai bồi thường vì đó là một hiện tượng tự nhiên. Những giải pháp gia cố bờ, đóng cừ tràm… cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Ðối với những vụ vỡ bờ bao được gia cố bằng tường xây, thành phố cần triển khai hoạt động kiểm tra, thẩm định chất lượng của các công trình; thậm chí là quy trách nhiệm các bên liên quan đối với những công trình không bảo đảm an toàn.
Triều cường gây ngập sâu nhiều tuyến đường
Ðợt triều cường chiều 5-12 tiếp tục gây ngập sâu nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, đường Huỳnh Tấn Phát đoạn qua quận 7 và huyện Nhà Bè, triều cường dâng cao làm ngập 20 đến 30 cm; đường Lương Ðịnh Của (quận 2), khu vực Phú Ðịnh, đường Trương Ðình Hội (quận 8), Phạm Hữu Lầu (quận 7), Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Ðào Sư Tích, Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), Kha Vạn Cân (Thủ Ðức)… cũng ngập sâu trong nước.
Dự báo hôm nay (6-12), đỉnh triều sẽ đạt 1,63 m và 1,64 m. Trước tình hình trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc phương án ứng phó tình trạng ngập úng do triều cường và xả lũ trên địa bàn thành phố.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()