Điện về sáng bản người Dao
– Cuối năm 2020, được sự quan tâm của Nhà nước, người dân 2 thôn: Khe Pặn Ngọn và Khe Pặn Giữa, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Từ cảnh sống trong u ám, tù mù giữa núi rừng thì giờ đây, bản làng đã được thắp sáng. Giấc mơ có điện của đồng bào dân tộc Dao nơi đây đã trở thành hiện thực.
Cách đây hơn 2 năm, tôi có dịp vào công tác tại thôn Khe Pặn Ngọn. Đây là một trong những thôn khó khăn và xa xôi nhất của xã Châu Sơn. Thời điểm đó, cả thôn có 33 hộ là đồng bào dân tộc Dao, 100% đều là hộ nghèo. Thôn có nhiều cái khó, nhưng khó nhất là chưa có điện. Ngay kế bên Khe Pặn Ngọn, thôn Khe Pặn Giữa, nơi đây cũng không có điện lưới, cuộc sống của 23 hộ dân nơi đây muôn vàn khó khăn, vất vả.
Ông Triệu Sinh Thanh, Trưởng thôn Khe Pặn Ngọn cho biết: Bao đời nay, người dân ở bản chỉ quen với ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Không có điện lưới, nhiều hộ dân trong thôn phải sử dụng máy phát điện chạy bằng sức nước. Hộ có điều kiện hơn thì mua pin năng lượng mặt trời để thắp sáng mỗi tối, tuy nhiên đèn cũng chỉ sáng lờ mờ. Không có điện muốn phát triển kinh tế rất khó chứ chưa nói đến chuyện nâng cao đời sống tinh thần.
Người dân thôn Khe Pặn Ngọn, xã Châu Sơn đã mua sắm nhiều thiết bị điện phục vụ đời sống sau khi có điện lưới vào cuối năm 2020
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 2 năm về trước. Tháng 12/2020, được sự quan tâm của Nhà nước, người dân 2 thôn: Khe Pặn Giữa và Khe Pặn Ngọn đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện được kéo về từng hộ, thắp sáng từng ngôi nhà trình tường ở bản. Thay vì tù mù, tối đen như trước, giờ đây, mỗi gia đình trong thôn đã có bóng điện sáng rực.
Có điện lưới, người dân trong thôn cũng đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất. Chỉ tay vào chiếc máy mài, ông Dương Kim Phu, thôn Khe Pặn Giữa phấn khởi: Có điện, gia đình mua ngay một máy mài để mài con dao, cái cuốc,… cho sắc để sản xuất tốt hơn. Ngoài ra, gia đình còn mua thêm máy bơm điện để phục vụ tưới tiêu. Nhiều hộ gia đình trong thôn đã mua sắm ti vi, nồi cơm điện,… cùng nhiều thiết bị điện khác phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Qua ti vi, tôi học hỏi được những cách làm hay để nâng cao năng suất các loại cây trồng.
Niềm vui của gia đình ông Phu cũng là niềm vui chung của các hộ dân 2 thôn, bản. Trưởng thôn Khe Pặn Ngọn chia sẻ: Giờ thôn đã có điện, chúng tôi đang tích cực vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như: bạch đàn, keo,… từ đó tăng thu nhập, phấn đấu thôn có từ 3 đến 5 hộ thoát nghèo mỗi năm.
Điện về, hạnh phúc nhất phải kể đến những đứa trẻ trong bản. Cô giáo Nguyễn Thị Vân, công tác tại điểm trường Mầm non Khe Pặn Ngọn chia sẻ: Ngày điện được kéo về bản cũng là ngày 7 học sinh tại điểm trường lần đầu tiên thấy những hình ảnh sinh động được trình chiếu trên máy tính. Được nghe nhiều bài hát, xem nhiều bạn nhảy múa trong các video bài giảng. Hy vọng từ đây, bản người Dao này sẽ có những đứa trẻ bay cao, vươn xa như biết bao tấm gương học sinh nghèo vượt khó.
Bà Lã Thị Ký, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết: Được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay, 2 thôn cuối cùng của xã đã có điện thắp sáng. Thời gian tới, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền xã sẽ vận động người dân góp sức bê tông hóa đường vào thôn để người dân đi lại thuận tiện; tích cực tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật; sử dụng các loại máy móc trong phát triển sản xuất.
Thôn người Dao giờ sáng, không chỉ từ những ánh đèn điện mà diện mạo nông thôn cũng như khoác lên mình bộ áo mới. Đường vào bản đã có cây cầu mới bắc qua suối, các mô hình sản xuất mới đang được hình thành,… Không chỉ là ước mơ, là hy vọng mà giờ đây, sự đổi thay đã hiện hữu trong chính cuộc sống thường ngày của bà con dân bản nơi đây.
Ý kiến ()