Diễn tập Hải quân đa phương lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương
Diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2022 sẽ diễn ra từ ngày 25-2 đến 4-3 tại các địa điểm trên bờ và khu vực biển phía đông thành phố Visakhapatnam (Ấn Độ).
Với sự tham gia của Tàu 016-Quang Trung cùng đoàn công tác Hải quân nhân dân Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam cử chiến hạm tham gia cuộc diễn tập hải quân đa phương được đánh giá có quy mô lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương.
Diễn tập MILAN do Hải quân Ấn Độ tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 và được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Trong lần đầu tiên diễn ra, sự kiện này chỉ có sự tham gia của hải quân 4 nước (Indonesia, Sri Lanka, Singapore và Thái Lan). Giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, Diễn tập MILAN chủ yếu có sự tham gia của các nước Nam Á và Đông Nam Á. Một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tham gia rất tích cực vào cuộc diễn tập MILAN như Thái Lan và Singapore. Sau đó, Diễn tập MILAN mở rộng sự tham gia của các đảo quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và các khu vực ven Tây Thái Bình Dương, như một phần của chính sách “hướng Đông”.
Một số tàu tham dự Diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2018.Ảnh: Indiannavy. |
Cho đến nay, nước chủ nhà Ấn Độ đã tổ chức được 10 cuộc diễn tập với số lượng các nước tham gia và tàu hải quân tham dự ngày càng đông hơn, góp phần chứng tỏ uy tín cũng như sức hút của hoạt động diễn tập hải quân đa phương do Ấn Độ đăng cai.
Năm 2018, Diễn tập MILAN có sự tham dự của 17 nước, Việt Nam đã cử đoàn quan sát viên. Năm 2020, theo lời mời của nước chủ nhà, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã ra quyết định cử tàu và lực lượng tham dự diễn tập nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Diễn tập MILAN 2020 đã bị hủy.
Một số quốc gia đã được Ấn Độ gửi lời mời tham gia Diễn tập MILAN 2022 bao gồm Việt Nam, Nga, Mỹ, Anh, Australia, Israel, Iran, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Brazil, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)… Hai cường quốc Nga và Mỹ đã khẳng định sẽ tham gia Diễn tập MILAN 2022 nhưng chưa có thông tin hai nước này sẽ cử tàu hay các đại diện hải quân tham dự. Theo The Hindu, có tổng cộng 46 quốc gia nhận được lời mời tham gia Diễn tập MILAN 2022 và đã có hơn 35 nước đã khẳng định sự tham gia, các nước còn lại cũng đã có những phản hồi tích cực.
Đây là lần đầu tiên Diễn tập MILAN được tổ chức ở thành phố Visakhapatnam thay vì ở khu vực quần đảo Andaman và Nicobar-hai địa điểm được lựa chọn để tổ chức sự kiện này kể từ năm 1995. Sự thay đổi địa điểm tổ chức này một phần bởi quy mô cuộc diễn tập năm nay lớn hơn, với sự tham gia của nhiều tàu chiến hơn nên đòi hỏi có nhiều chỗ để neo đậu cũng như vùng biển rộng hơn cho hoạt động diễn tập.
Theo các nguồn tin, không giống như những lần diễn tập trước chủ yếu có sự tham gia của các tàu tuần tra tầm xa và các tàu lớp tương tự, cuộc diễn tập năm nay sẽ có sự tham gia của các khinh hạm và tàu khu trục. Mức độ phức tạp của Diễn tập MILAN 2022 cũng sẽ được tăng lên, các nước sẽ được chia thành nhiều nhóm tham gia các khoa mục diễn tập khác nhau.
Với chủ đề “Tình bạn-Gắn kết-Hợp tác”, Diễn tập MILAN 2022 nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa hải quân các nước trong các hoạt động đa phương quy mô lớn trên biển. Qua đó, thúc đẩy trách nhiệm tập thể trong lĩnh vực an ninh hàng hải, duy trì an ninh, an toàn tại các vùng biển ở khu vực.
Kể từ năm 2018, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác hải quân với các nước ở cả cấp độ song phương, ba bên và đa phương nhằm thúc đẩy phối hợp ứng phó với các thách thức chung đang nổi lên ở khu vực như chủ nghĩa khủng bố, phiến quân và cướp biển.
Chủ đề và nội dung của Diễn tập MILAN được lựa chọn tuỳ theo từng năm khác nhau, nhưng cơ bản đều tập trung vào các nội dung ứng phó với những thách thức chung đang nổi lên ở khu vực, các khoa mục diễn tập sát với thực tiễn tình hình an ninh trên biển và đi vào các nội dung thực chất. Đơn cử cuộc diễn tập MILAN 2014 chủ yếu huấn luyện diễn tập chống buôn lậu, cướp biển, buôn bán ma túy, đánh bắt trộm và di dân trái phép, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hải quân các nước. Trong thời gian diễn tập, các nước tham gia còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo chiến lược, thảo luận về các giải pháp an ninh và chống cướp biển trên vùng biển Andaman, cùng tuần tiễu và hỗ trợ cứu nạn giữa nhiều nước trên biển.
Tại diễn tập MILAN 2022, các khoa mục diễn tập chung trên biển bao gồm: Thông tin liên lạc, vận động đội hình, tiếp tế trên biển, tiếp tế đường không, thực hành thuỷ nghiệp… Các khoa mục diễn tập tác chiến như bắn mục tiêu đối hải, đối không tầm thấp, tác chiến chống ngầm, diễn tập chiến thuật trên biển… dành cho hải quân các nước có nhu cầu tham gia.
Diễn tập MILAN với quy mô và khoa mục diễn tập đa dạng được trông đợi tăng cường khả năng phối hợp hoạt động, hợp tác chiến lược, xây dựng lòng tin giữa các nước ở khu vực, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Ý kiến ()