Điện sáng quê hương Hải đội Hoàng Sa
Đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương của Hải đội Hoàng Sa những ngày này, chúng tôi được chứng kiến niềm hân hoan của người dân khi đón điện lưới quốc gia về đảo. Nhờ đó, người dân được sử dụng điện 24/24 giờ với chất lượng ổn định, liên tục, bằng với giá điện ở đất liền. Huyện ủy Lý Sơn xác định, có điện lưới quốc gia, sự phát triển của Lý Sơn sẽ theo xu thế mới, mô hình mới, do đó, Lý Sơn cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện, hiệu quả, bảo đảm nâng cao mức sống cho người dân, để huyện đảo xứng đáng là chốt tiền tiêu phía đông của Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo của Việt Nam.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lý Sơn đã được đầu tư dự án kéo cáp ngầm 22kV ra đảo với tổng mức đầu tư gần 679 tỷ đồng, quy mô 8,7 km đường dây (ĐZ) 22kV trên không (huyện Bình Sơn) và 26,21 km cáp ngầm xuyên biển… Được Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm, chỉ đạo, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cùng các nhà thầu trong nước và nước ngoài đã tập trung nhân lực, ngày đêm thi công, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Dự án chính thức khánh thành ngày 28-9 vừa qua. Phó Tổng Giám đốc EVNCPC Nguyễn Thành cho biết, công suất tiêu thụ điện năng trên đảo Lý Sơn chỉ dao động từ 1,3 đến 1,5MW, trong khi với đường dây 22kV như hiện tại có thể đáp ứng công suất hơn 20MW.
Trò chuyện với anh Đặng Văn Thiện, ngư dân trên tàu Q-Ng 96135 TS tại Lý Sơn, chúng tôi được biết, nhóm ngư dân trên tàu của anh Thiện ai cũng vui, yên tâm vì đảo đã có điện lưới. Ngư trường chủ yếu của tàu anh Thiện là vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Anh Thiện mong mỏi, giờ đây có điện rồi thì Lý Sơn sẽ phát triển cơ sở dịch vụ nghề cá như sản xuất đá ướp, thu mua-chế biến hải sản… để bà con ngư dân đỡ vất vả chạy tàu về bờ như hiện nay. Hai tổng đại lý điện máy gia dụng ở Quảng Ngãi đã nhanh chóng đưa rất nhiều hàng điện lạnh, điện gia dụng ra đảo Lý Sơn và rầm rộ khai trương, mở đợt khuyến mại lớn để thu hút khách trong dịp này. Tàu khách ra đảo Lý Sơn dịp này còn “kiêm” thêm chở cả tủ lạnh, điều hòa. Còn anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhà nghỉ Thành Lợi ở thôn Tây, xã An Vĩnh tâm sự, cơ sở của anh trước đây tốn khoảng bảy triệu đồng tiền điện/tháng, trong đó, hai phần ba là tiền dầu chạy máy phát điện. Nay đã có điện lưới rồi, gia đình đang tính mở rộng kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch. Những người dân khác cũng vui không kém vì từ nay, không phải sử dụng đèn dầu hay bộ sạc điện như trước nữa. Nhiều cơ sở lưu trú trên đảo đã bắt đầu lắp đặt điều hòa, các thiết bị điện phục vụ sinh hoạt. Các cháu học sinh trên đảo cũng vui không kém khi có điện sẽ giúp việc học hành được thuận lợi hơn rất nhiều…
Niềm mong mỏi của những ngư dân như anh Thiện cũng là yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền huyện đảo Lý Sơn. Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh nói: “Có điện lưới là ước mơ từ lâu của người dân Lý Sơn đã trở thành hiện thực. Từ đó, huyện xác định trọng tâm phát triển cơ sở dịch vụ nghề cá như cung cấp đá ướp, xăng dầu, sửa chữa tàu cá, thu mua-chế biến hải sản… Mặc dù có tiềm năng du lịch, với các di tích cấp quốc gia như đình làng An Hải (liên quan Hải đội Hoàng Sa), Âm linh tự, chùa Hang…, các di sản văn hóa như Lễ hội khao lề thế lính…, nhưng Lý Sơn chưa thể thu hút khách du lịch bởi cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Năm nay, lượng khách đến Lý Sơn dự báo sẽ tăng hơn năm ngoái. Huyện bắt đầu kêu gọi thu hút đầu tư vào xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phát triển các loại hình du lịch biển như lặn biển, du lịch tại gia (homestay)… Hiện có những doanh nghiệp lớn đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm ăn ở Lý Sơn”.
Đồng thời với dự án đưa điện lưới ra đảo, EVNCPC cũng thực hiện luôn dự án hiện đại hóa lưới điện đảo Lý Sơn. Nhờ vậy, từ chỗ “đi sau” về điện nhưng nay, Lý Sơn lại có lưới điện “thông minh”, đồng bộ nhất trong các địa phương của cả nước do được ứng dụng công nghệ hiện đại RF Spider-công nghệ không dây theo kiểu mắt lưới, tạo nên mạng thu thập dữ liệu đồng hồ đo điện hoàn toàn tự động cho tất cả khách hàng và trạm biến áp. Công nghệ này do chính EVNCPC nghiên cứu, phát triển. Giờ đây, 4.280 đồng hồ đo điện điện tử đã được lắp đặt cho các khách hàng ở Lý Sơn, bảo đảm chính xác cao. Điều quan trọng, Điện lực Lý Sơn không phải mất công đi ghi chỉ số đồng hồ đo điện nữa mà khách hàng có thể truy cập mạng in-tơ-nét và cập nhật thường xuyên chỉ số tiêu thụ điện năng của mình bất cứ lúc nào. Tuy vậy, Lý Sơn còn có đảo nhỏ là xã An Bình (cách năm km) chưa có điện lưới. Giám đốc Điện lực Lý Sơn Lê Thanh Tùng cho biết, trên đảo chỉ có khoảng hơn 100 hộ dân, nếu triển khai tiếp đường cáp ngầm nữa thì phải đầu tư thêm hơn 100 tỷ đồng.
Nguồn vốn của Nhà nước, ngành điện còn rất khó khăn, nhưng sau này có điều kiện sẽ đầu tư đường cáp ngầm nữa bởi theo Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo đến năm 2020 (Quyết định số 568/QĐ-TTg) thì đến năm 2020, 100% số dân các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện và chắc chắn Lý Sơn sẽ đạt được mục tiêu này.
Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phối hợp Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn. Tại hội thảo quan trọng này, nhiều tham luận gợi mở hướng phát triển cho Lý Sơn. Theo đó, Lý Sơn tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế biển và du lịch. Trong nông nghiệp, Lý Sơn có sản phẩm rất đặc biệt là tỏi, được nhiều người cả trong và ngoài nước quan tâm. Vì thế, cần tìm hướng phát triển tỏi Lý Sơn theo mô hình mới, công nghệ mới chứ không phải sản xuất truyền thống như hiện nay.
Thứ hai, cần xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, phát triển đội tàu cá Lý Sơn, đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư cảng Bến Đình là cảng riêng. Thứ ba, là phát triển du lịch, nhưng gắn chặt với bảo tồn biển, nghiên cứu sinh vật biển, cũng như khám phá đại dương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()