Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét
(LSO) – Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn của tỉnh đã có sự thay đổi rõ nét. Phóng viên Báo Lạng Sơn phỏng vấn nhanh lãnh đạo một số ngành, huyện, xã, hợp tác xã và người dân trên địa bàn về vấn đề này.
Diện mạo nông thôn mới trên xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Ảnh: BÙI THUẬN
Ô ng Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải: “Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ”.
Thời điểm năm 2011, toàn tỉnh mới có gần 1.400 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, còn lại hầu hết là đường cấp phối, đường đất. Ngay khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 53/2011/NQ-HĐND ngày 26/7/2011 về Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn (giai đoạn 2011 – 2015) với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến thời điểm hiện tại, phong trào làm đường giao thông nông thôn vẫn tiếp tục được người dân đồng lòng hưởng ứng. Người dân không chỉ góp tiền, góp sức mà còn hiến đất để mở đường. Cụ thể, đã mở mới thêm 730 km và bê tông hóa hơn 1.400 km đường giao thông nông thôn. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Hệ thống đường liên xã, đường liên thôn được bê tông hóa đã làm thay đổi hình ảnh của các xã vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Trần Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn: “Hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả”.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Từ khi triển khai, lãnh đạo huyện luôn xác định chính người dân là chủ thể trong thực hiện chương trình, phải làm sao để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Vì thế, trong suốt quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung phát triển, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Để thực hiện, huyện lựa chọn các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương để tập trung quy hoạch thành vùng sản xuất, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, gắn với thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng, mô hình trồng cây dược liệu (quế), mô hình trồng quýt vàng theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, mô hình phát triển thủy sản… Các mô hình đã giúp bà con các xã vùng nông thôn của huyện tăng thu nhập, từ đó, góp phần thay đổi đời sống của người dân.
Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Cao Minh, huyện Tràng Định: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh”.
Năm 2016, Cao Minh được tỉnh lựa chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (là 1 trong 5 xã đặc biệt khó khăn được lựa chọn phấn đấu đến năm 2020 đạt chuẩn xã nông thôn mới). Nhờ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã mạnh dạn hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng cây quế (diện tích trồng quế toàn xã hiện có gần 500 ha); xây dựng mô hình trồng thạch nương và chăn nuôi gà ri lai. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, thu nhập người dân tăng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt 28,5 triệu đồng/người/năm (tăng 23,5 triệu đồng so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 35,92%, giảm 40,18% so với năm 2015. Với kết quả đạt được, Cao Minh quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2019.
Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan: “Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Chúng tôi nhận thức rằng: để sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế tăng thì cần phải đổi mới hình thức tổ chức sản xuất tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, trong đó có sản xuất lúa gạo. Từ năm 2017 đến nay, Hợp tác xã Trấn Ninh đã liên kết sản xuất lúa gạo với nông dân trên địa bàn 4 xã thuộc 2 huyện: Văn Quan và Tràng Định. Hợp tác xã cấp giống, hỗ trợ phân bón trả chậm cho nông dân tại 4 xã này. Tất cả lúa của bà con sản xuất ra, hợp tác xã cam kết bao tiêu. Giá thu mua lúa cũng luôn ổn định, đối với thóc là 12 nghìn đồng/kg, gạo là 22 nghìn đồng/kg. Thời gian tới, Hợp tác xã Trấn Ninh sẽ mở rộng địa bàn, tiếp tục liên kết với nông dân trong sản xuất lúa gạo, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Chị Hà Thị Ngoan, thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng: “Cảm nhận sự thay đổi rõ nét”.
Trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, đường từ thôn chúng tôi đến trung tâm xã hầu hết là đường đất, trời mưa lầy lội. Nhưng từ khi tỉnh, huyện và xã phát động phong trào làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã hiến đất, cùng nhiều hộ khác góp công, sức để cứng hóa đường thôn. Đường từ thôn chúng tôi đến xã hiện đã được bê tông hóa, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Người dân chúng tôi thấy rằng, từ khi xây dựng nông thôn mới, xã chúng tôi có nhiều thay đổi rõ rệt, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường.
Hạ tầng nông thôn được củng cố, an ninh trật tự được đảm bảo, người dân được nâng cao thu nhập và sống trong môi trường trong lành hơn… Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi của khu vực nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()