Diện mạo nào cho ASEAN vào năm 2045?
Sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí xây dựng dự thảo tầm nhìn chiến lược về Cộng đồng ASEAN đến năm 2045, tờ Bangkok Post mới đây có bài viết đưa ra những nhận định, dự báo về sự phát triển cũng như thay đổi của ASEAN trong vòng hơn 20 năm tới.
Theo bài viết, Nhóm công tác cấp cao về tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN (HLTF-ACV) được thành lập từ năm ngoái với thành phần gồm 20 người, trong đó mỗi quốc gia thành viên ASEAN đóng góp 2 người. Nhiệm vụ của nhóm là chuẩn bị tầm nhìn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Cuộc họp lần thứ 7 của nhóm công tác cấp cao này diễn ra tại Belitung (Indonesia) vào tháng 3 vừa qua đã nhất trí xây dựng dự thảo tầm nhìn chiến lược về Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.
Lễ thượng cờ ASEAN nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ASEAN và 27 năm Việt Nam tham gia ASEAN, tại Hà Nội, sáng 8-8-2022. Ảnh: TRẦN ĐOÀN
Bài viết cho rằng trước mắt, từ nay đến năm 2025, nhóm công tác cấp cao nói trên sẽ phải đối mặt với một câu hỏi liên quan tới thách thức quan trọng nhất của ASEAN trong tương lai, đó là: Làm sao để đưa ra tầm nhìn vừa bảo đảm sự phù hợp của ASEAN trong tình hình địa chính trị 20 năm tới, vừa bảo đảm khả năng phục hồi của hiệp hội khi ASEAN có thể sẽ trở thành “thế lực kinh tế” lớn thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản hoặc Ấn Độ.
Tác giả bài viết nhấn mạnh rằng hiện nay, không ai có thể nói một cách chắc chắn rằng ASEAN vào năm 2045 sẽ như thế nào. Tuy nhiên, cuộc họp lần thứ 7 của nhóm công tác cấp cao nói trên đã chỉ ra những xu hướng chính của khu vực và toàn cầu sẽ tác động đến Cộng đồng ASEAN, chẳng hạn như: Hiệu ứng dây chuyền liên tục từ những thay đổi về địa chính trị; các cuộc khủng hoảng năng lượng và vấn đề an ninh lương thực; các vấn đề liên quan tới trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và an ninh mạng; và đặc biệt là thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức do đại dịch và thiên tai gây ra.
Những xu hướng này đòi hỏi ASEAN phải khai thác các công nghệ mới, đồng thời bảo đảm cơ hội cho tất cả công dân của mình. Tác giả cũng dự báo rằng trong vòng 20 năm tới, tổng dân số của ASEAN có thể đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Đặc biệt, bài viết cho rằng để phù hợp với một thế giới phân cực hơn trong tương lai, ASEAN phải cùng nhau hành động và củng cố vai trò trung tâm của khối để duy trì vai trò chủ chốt của mình. Liên quan tới vấn đề này, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn gần đây đã nêu rõ quan điểm rằng tất cả các cường quốc đều là bạn và đối tác của ASEAN. Bởi vậy, ASEAN cần thêm nhiều cuộc đối thoại cũng như những cam kết, tham vấn thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm giải quyết những thách thức mới.
Tổng thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh rằng ASEAN muốn chứng kiến sự tăng cường lòng tin chiến lược và giảm căng thẳng trong khu vực, đồng thời tập trung vào việc ngăn ngừa xung đột. “Không giống như tầm nhìn Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 vốn tập trung vào 3 trụ cột chính là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, tầm nhìn mới cho năm 2045 của ASEAN có thể bao gồm “những thách thức liên thế hệ”, đòi hỏi các thế hệ khác nhau của Cộng đồng ASEAN phải liên tục giải quyết”, bài viết nêu rõ.
Ngoài ra, tác giả dự báo vào năm 2045, ASEAN có thể sẽ kết nạp thêm các thành viên mới và do đó sẽ cần tăng ngân sách hoạt động của mình.
Cuối bài viết, tác giả nhấn mạnh: “Vẫn còn cả triệu điều chưa được thảo luận về những gì mà ASEAN cần làm trong hai thập kỷ tới tính từ sau năm 2025. Dù cho thách thức nào xuất hiện thì ASEAN cũng cần chứng minh cho cộng đồng toàn cầu, đặc biệt là các đối tác đối thoại lớn, rằng ASEAN quyết tâm và sẵn sàng cùng nhau giải quyết những thách thức này. Điều quan trọng là người dân khu vực phải hoàn toàn tin tưởng vào khả năng cũng như năng lực của ASEAN trong việc quan tâm, chăm sóc họ”.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/dien-mao-nao-cho-asean-vao-nam-2045-724400
Ý kiến ()