Điện lực Tràng Định: Chú trọng cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn
Điện lực Tràng Định với đặc thù là địa bàn quản lý kinh doanh trải rộng 995 km2, có 7/22 xã đặc biệt khó khăn, địa hình hoạt động phức tạp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới giao thông đi lại khó khăn; khách hàng đa dạng gồm nhiều thành phần, chiếm đa số là sinh hoạt nông thôn. Tuy vậy, những năm qua, với sự chủ động, vượt qua khó khăn, Điện lực Tràng Định đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là thực hiện cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn. Qua đó, lưới điện ở nhiều khu vực nông thôn đã có sự đổi thay tích cực, ngày càng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn huyện.
Nhân viên Điện lực huyện Tràng Định lắp đặt trạm biến áp tại xã Đại Đồng
Anh Đàm Văn Phanh, Trưởng thôn Nà Vài, xã Đại Đồng cho biết: trước đây, trong thôn luôn xảy ra tình trạng điện yếu, nhất là vào giờ cao điểm (từ 11 giờ sáng đến 13 giờ chiều và từ 17 giờ chiều đến 21 giờ đêm), những vật dụng gia đình như ti vi, tủ lạnh,… không sử dụng được. Được sự quan tâm của các cấp, Điện lực Tràng Định đầu tư cải tạo lưới điện như: thay thế đường dây cũ bằng dây cáp vặn soắn; cột tre, gỗ thay bằng cột bê tông và hệ thống công tơ, hòm công tơ được thay mới. Vì vậy, từ cuối tháng 11/2014 đến nay, lưới điện của thôn đã hoàn toàn mới, tình trạng điện yếu không còn xảy ra.
Đặc biệt, trước đây do đường dây cũ nát nên tổn thất điện năng lớn, người dân phải chi phí đến 2.300 đồng/kwh, thì nay đã được mua điện trực tiếp và không phải chịu chi phí do tổn thất nên giá điện giảm xuống dưới 2.000 đồng/ kWh. Qua đó, nguồn điện ổn định không chỉ đảm bảo cho sinh hoạt mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất, nhân dân trong thôn rất phấn khởi. Ông Đào Xuân Thanh, Giám đốc Điện lực Tràng Định cho biết: Điện lực Tràng Định quản lý 234,5 km đường dây 35 KV; 75,35 km đường dây 10 KV; 399 km đường dây hạ thế 0,4 KV; 1 trạm biến áp trung gian với công suất 2500 kVA và 109 trạm biến áp phân phối, tổng công suất 12673kVA; với gần 15.000 khách hàng, trong đó có gần 13.500 khách hàng nông thôn.
Khi mới tiếp nhận, hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực nông thôn đều cũ nát, chắp vá, nguy cơ mất an toàn cao, tỷ lệ tổn thất từ 20% đến 30%; mặt khác chất lượng điện áp thấp, không ổn định, trong khi người dân vẫn phải mua điện với giá “ổn định”, cao hơn từ 2- 4 lần giá trần Chính phủ quy định;… Trước thực trạng đó, để nâng cao chất lượng điện áp nông thôn, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện, đơn vị đã tập trung thay thế công tơ cũ, đầu tư cải tạo các đường dây cũ nát, thay thế cột điện; rà soát, khoanh vùng các trạm công cộng có tổn thất cao, tìm nguyên nhân để có phương án xử lý, phát quang hành lang an toàn lưới điện, cấy trạm biến áp chống quá tải để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả. Ðồng thời sắp xếp tổ chức lại đội ngũ cán bộ, lao động để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch trong điều kiện khối lượng quản lý tăng cao. Bằng những biện pháp triển khai đồng bộ, lưới điện hạ thế nông thôn từng bước được đầu tư, cải tạo và hiệu quả.
Trong năm 2014, đơn vị thực hiện chống quá tải khu vực thị trấn Thất Khê, xã Đại đồng, Hùng Sơn với khối lượng cải tạo 10,88 km đường dây 0,4kV và 3 trạm biến áp; thực hiện cải tạo chống quá tải lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận thuộc dự án DEP2 với khối lượng 38,237 km đường dây 0,4kV; nâng công suất 2 máy biến áp với tổng công suất 280kVA; đóng điện đưa vào vận hành 1.268m đường dây trung thế 10kV, 35kV và 10 trạm biến áp phân phối tổng công suất 1850kVA; thay thế 3000 công tơ định kỳ tại các TBA trên địa bàn;… phát triển mới được gần 700 khách hàng. Với những cố gắng của Điện lực Tràng Định, hệ thống lưới điện có nhiều chuyển biến, chất lượng điện ổn định, đảm bảo nhiệm vụ chính trị cũng như cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tỷ lệ hộ được dùng điện lưới quốc gia đạt 91,69%; tỷ lệ tổn thất giảm từ 22% (2010) xuống còn 11,06% (2014).
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()