Điền kinh gặp khó với chuẩn mới để giành vé dự Olympic 2024
Mới đây Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) bắt đầu áp dụng chuẩn mới cho các nội dung cá nhân và cự ly ngắn của bộ môn này từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024 để làm tiêu chuẩn xét chọn vận động viên (VĐV) tham dự Olympic 2024.
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh đoạt Huy chương vàng nội dung chạy 5.000m nữ tại SEA Games 32. (Ảnh DŨNG PHƯƠNG) |
Một điều khác biệt của môn điền kinh so với các môn khác, đó là việc xét chọn không phải dựa trên thành tích của VĐV tại giải đấu do IAAF tổ chức mà còn căn cứ vào thông số chuyên môn theo chuẩn đã được công bố.
Một thông tin được giới chuyên môn cùng người hâm mộ quan tâm chính là việc nếu giành được huy chương vàng (HCV) tại Giải vô địch châu Á diễn ra tại Thái Lan từ ngày 12 đến 16/7, Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Huyền có được trao suất chính thức tới Olympic 2024 như một số môn khác hay không (mới nhất là trường hợp của nhà vô địch xe đạp châu lục Nguyễn Thị Thật).
Bởi vì với tiêu chuẩn vừa được công bố, kể cả có giành HCV, Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Huyền cũng sẽ không có suất Olympic nếu không đạt chuẩn. Có thể thấy, cơ hội để Nguyễn Thị Oanh đạt chuẩn Olympic còn nhỏ hơn nhiều lần so với cơ hội giành HCV tại Giải vô địch châu Á.
Đơn giản vì chuẩn Olympic ở nội dung 1.500m nữ quá cao, hiện đang vượt xa thông số tốt nhất của Nguyễn Thị Oanh. Xét theo chuẩn Olympic 2024, cả bốn nội dung mà Oanh đang không có đối thủ tại SEA Games, cô đều đang có thông số chuyên môn cách quá xa.
Đơn cử đường chạy 1.500m mà tuyển thủ quê Bắc Giang đang ưu tiên tập trung tối đa, thông số gần nhất là 4 phút 16 giây 85 (SEA Games 32), trong khi thành tích tốt nhất là 4 phút 14 giây 98 (SEA Games 31), còn mức chuẩn Olympic lại là 4 phút 02 giây 50, hơn thành tích gần nhất và tốt nhất của Oanh từ gần 12 tới hơn 14 giây, một khoảng cách quá xa. Hay thông số “đỉnh” 9 phút 43 giây 83 nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật từng giúp Oanh đoạt tấm Huy chương đồng Asian Games 2018 cũng kém chuẩn Olympic tới hơn 20 giây.
Xét ở khu vực châu Á, kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền thậm chí còn có tầm mức cao hơn Nguyễn Thị Oanh, với khả năng tranh chấp huy chương cao hơn nhiều. Nguyễn Thị Huyền đang được trông chờ sẽ đua tranh sòng phẳng một tấm huy chương 400m rào tại Giải vô địch châu Á sắp tới và cùng các đồng đội làm được điều tương tự ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ.
Chỉ có điều, Nguyễn Thị Huyền có thể nhắm tới HCV châu lục, song lại gần như không có cơ hội đạt chuẩn Olympic. Thành tích 56 giây 29 HCV SEA Games 32 của Huyền cũng còn kém nhiều so với chuẩn Olympic là 54 giây 85. Khả năng của Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Thị Huyền còn vậy, với VĐV ở các nội dung thi đấu khác của điền kinh, việc đạt chuẩn Olympic còn xa vời như thế nào?!
Theo giới chuyên môn, cũng giống kỳ đại hội trước, thông số chuẩn Olympic Paris 2024 (chỉ để đoạt suất chính thức dự tranh) sẽ cao hơn đáng kể thành tích HCV Giải vô địch châu Á hay Asian Games ở hầu hết các nội dung. Tại Asian Games 2018, nữ hoàng nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã giành tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam với 6,55m. Tuy nhiên, thành tích này còn thua chuẩn Olympic Tokyo 27cm (6,82m) và chuẩn Olympic Paris 31cm (6,86m).
Nếu không có trường hợp nào đột biến và xuất thần, điền kinh Việt Nam sẽ phải chấp nhận kỳ Olympic thứ hai liên tiếp không thể đoạt suất chính thức dự thi mà chỉ có đại diện nhờ vé đặc cách.
Gần nhất là kỳ đại hội Olympic Rio 2016, Việt Nam từng có hai tuyển thủ điền kinh đoạt suất chính thức là Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ nam). Còn tại Giải vô địch châu Á 2019, VĐV Quách Thị Lan cũng đoạt được HCV 400m rào nữ nhưng thông số chuyên môn này vẫn còn kém xa chuẩn Olympic. Cuối cùng, Quách Thị Lan cũng được đến Olympic 2020, song bằng suất đặc cách.
Hiện tại, để chuẩn bị cho ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc cuối tháng 9 tới, cũng như Giải vô địch châu Á 2023 tại Thái Lan, đội tuyển điền kinh Việt Nam đã lên đường sang Thái Lan từ ngày 4/7 vừa qua. Ngoài việc tham dự giải châu Á, chuyến đi lần này cũng được coi là đợt tập huấn chuẩn bị cho ASIAD 19. Điền kinh Việt Nam sẽ chọn cử hơn 20 VĐV xuất sắc nhất tham dự giải đấu này.
Trong đó, sẽ có đầy đủ những VĐV trọng điểm của điền kinh Việt Nam thời gian qua như: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, tổ chạy 400m (Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn…), Ngần Ngọc Nghĩa cự ly 100m, 200m nam, Trần Thị Nhi Yến 200m nữ, Huỳnh Thị Mỹ Tiên 100m rào nữ, Nguyễn Tiến Trọng nhảy xa nam, Nguyễn Linh Na 7 môn phối hợp, tổ nhảy xa, chạy vượt rào…
ASIAD 19 là đấu trường quan trọng của thể thao Việt Nam và điền kinh vẫn là một trong những môn có kỳ vọng giành được huy chương vàng.
Năm 2018, khi ASIAD 18 tổ chức ở Indonesia, điền kinh Việt Nam có hai HCV của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và Quách Thị Lan (400m rào nữ, được đôn lên HCV do VĐV về nhất người Bahrain sau đó bị phát hiện sử dụng doping).
Ngoài nhóm VĐV được chọn tập huấn và thi đấu tại giải châu Á lần này, cá nhân Nguyễn Thị Oanh sẽ là một trong những VĐV trọng điểm được ưu tiên đầu tư. Cô gái người Bắc Giang ngoài việc tìm kiếm huy chương châu Á, sẽ còn phải hướng tới Giải điền kinh vô địch thế giới tổ chức tại Hungary vào tháng 8 tới (19-27/8/2023 tại Budapest). Dự kiến Nguyễn Thị Oanh và HLV Trần Văn Sỹ sẽ tham dự giải đấu này.
Chúng ta cùng hy vọng đội tuyển điền kinh sẽ có thành tích xuất sắc tại Giải vô địch châu Á 2023 cũng như ASIAD 19 sắp tới để cho dù không đạt được chuẩn chính thức tham dự Olympic 2024, nhưng đó vẫn là tiền đề quan trọng để Ban tổ chức xem xét những suất đặc cách cho VĐV đã có thành tích xuất sắc tại các giải đấu cấp châu lục và thế giới do IAAF tổ chức.
Ý kiến ()