Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia (THQG) với sản phẩm địa phương”. Chương trình là một trong những hoạt động nằm trong “Tuần lễ THQG Việt Nam 2016”.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, “Diễn đàn THQG với sản phẩm địa phương” được tổ chức trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực kết hợp phát triển kinh tế với việc chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng miền gắn với việc nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Quá trình hội nhập và phát triển của đất nước đã minh chứng rằng, một trong những yếu tố để hội nhập thành công, tranh thủ được cơ hội hợp tác, liên kết mang lại, vượt qua thách thức của sự cạnh tranh gay gắt là phải xây dựng và phát triển sức cạnh tranh tổng thể của quốc gia, trong đó có thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh.
Chia sẻ về mô hình xây dựng thương hiệu địa phương, vùng miền liên quan tới xây dựng THQG, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chuyên gia Ban tư vấn Chương trình THQG nhận định, vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia đang ngày một nóng lên trên thế giới. Hiện nay, có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình này. Ở khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia, thì các quốc gia còn lại cũng đang trong những giai đoạn thực thi chiến lược. Việt Nam đương nhiên không thể nằm ngoài quy luật. THQG chính là hình ảnh quốc gia đó phản chiếu ra bên ngoài. Chương trình THQG có nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng và bồi đắp được những thương hiệu đó để thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh quốc gia thân thiện, năng động, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thịnh cũng nhận định, con đường để thực hiện mục tiêu đó rất dài và khó khăn.
Một trong những cách thức dễ dàng để thế giới biết đến Việt Nam, thương hiệu Việt, theo ông, chính là xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch và gắn kết sản phẩm với những điểm đến đó. Chính vì vậy, cần xây dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch, cần gắn kết các điểm đến và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch bằng cách gia tăng mức độ biết đến thương hiệu và cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước và con người của một quốc gia. Tạo cơ hội khai thác đa dạng các tài nguyên, nguồn lực với giá trị gia tăng cao. Phát triển THQG qua điểm đến du lịch là cách khác biệt hóa nhanh và dễ.
Đứng ở góc độ chuyên gia nhận định về việc xây dựng thương hiệu cho một số loại cây trồng có lợi thế xuất khẩu tại Việt Nam, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đối với thương hiệu lúa gạo, hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Mặc dù sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng khá, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới nhưng giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm lại thấp do chất lượng gạo Việt Nam còn thấp, độ lẫn giống còn cao, chưa có thương hiệu riêng mà phải mang một nhãn hàng khác của quốc gia nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng thương hiệu gạo cho riêng mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường.
Muốn xây dựng được thương hiệu mạnh, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trước hết mỗi sản phẩm phải thỏa mãn được các điều kiện cơ bản: đạt được đến một khối lượng đủ lớn và ổn định; bảo đảm chất lượng đồng đều, chất lượng sản phẩm còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; ổn định theo yêu cầu thị trường của người mua; Giá bán mang tính cạnh tranh trên thương trường trong và ngoài nước; Tổ chức kênh phân phối phải đảm bảo lợi ích hài hòa, hợp lý của tất cả các chủ thể tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()