Diễn đàn “Phát triển nuôi cá lồng bền vững”
Ngày 15/10, tại TP Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hòa Bình tổ chức Diễn đàn “Phát triển nuôi cá lồng bền vững”.
Ngày 15/10, tại TP Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hòa Bình tổ chức Diễn đàn “Phát triển nuôi cá lồng bền vững”.
300 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc và đại diện cho bà con nông dân các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La… đã về tham dự Diễn đàn.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình (Ảnh: thuysanvietnam.com.vn) |
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh miền Bắc có tiềm năng diện tích có thể phát triển nuôi thủy sản lồng bè rất lớn trên 200.000 ha diện tích mặt nước, nhưng hiện nay mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng diện tích mặt nước của sông và hồ chứa (tổng diện tích lồng nuôi ước khoảng 300.530 m3, số lượng gần 5.000 lồng, với năng suất đạt hơn 2.000 tấn/năm. Các tỉnh có sản lượng lớn như: Hải Dương 500 tấn/năm, Hòa Bình 200 tấn/năm, Yên Bái 200 tấn/năm, Phú Thọ 81,7 tấn/năm… Các đối tượng nuôi lồng chủ yếu là cá truyền thống như: trắm cỏ, chép, rô phi và một vài đối tượng có giá trị kinh tế như: cá tầm, cá lăng, cá nheo… nhưng không đáng kể, năng suất còn thấp, quy mô nhỏ lẻ, thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng diện tích mặt nước sông và hồ chứa địa phương.
Người dân phần lớn chưa được hướng dẫn, thăm quan học tập, tư vấn về kỹ thuật thiết kế lồng nuôi mới. Các lồng nuôi chủ yếu sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, tre, nứa. Do đó, công tác chăm sóc quản lý, bảo vệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trình độ kỹ thuật và công nghệ nuôi ở các vùng miền cũng chênh lệch rất lớn. Khu vực Đồng bằng sông Hồng trong 5 năm trở lại đây từ năm 2008 đến 2013 phong trào nuôi cá lồng phát triển rất mạnh với các đối tượng cá nuôi chính là: rô phi, điêu hồng, lăng, nheo… Năng suất đạt từ 5 – 7 tấn cá/lồng (108 m3) tại một số hộ nuôi trên sông Kinh Thầy (Hải Dương), sông Đuống (Bắc Ninh)…
Bên cạnh đó, khu vực Trung du miền núi phía Bắc người dân phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ thuật cá lồng bè còn nhiều hạn chế, vật liệu làm lồng chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có (tre, nứa…) không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật. Người nuôi cá truyền thống vẫn theo hình thức thả cá, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh… nên sản lượng cá nuôi năng suất chưa cao. Trung bình các đối tượng nuôi lồng đạt năng suất 7 kg/m3.
Từ năm 2013 – 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa” tại các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lào Cai.
Hầu hết thời gian của Diễn đàn được dành để trao đổi, giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật nuôi cá lồng, các bệnh thường gặp, cách chữa trị; những chính sách để phát triển cá lồng… Ngoài ra, Diễn đàn còn tạo điều kiện cho các đại biểu được đi tham quan một số mô hình nuôi cá lồng tại xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình.
Riêng với Hòa Bình, là tỉnh được đánh giá có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành thủy sản đứng ở khu vực miền núi phía Bắc, trong những năm gần đây, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển mạnh mẽ. Năm 2010 trên lòng hồ thủy điện có 950 lồng nuôi cá, đến tháng 9/2013 có khoảng 1.300 lồng. Nhờ nguồn nước chưa bị ô nhiễm của lòng hồ thủy điện nên tốc độ tăng trưởng của đàn cá luôn đạt cao, nhờ đó các hộ dân được tăng thêm thu nhập, làm giàu từ nghề cá. Các loài cá chủ yếu được nuôi lồng là Trắm cỏ, Trắm đen, Rô phi, Trê lai, Nheo, Ngạnh, Chim trắng. Một số loại đặc sản như: Lăng, Chiên, Bỗng, Tầm. Sản lượng cá lồng tăng từ 400 tấn năm 2010 lên 800 tấn năm 2013. Giá trị kinh tế thu lợi được từ mỗi lồng nuôi cá (Thể tích trung bình 30m3) đạt khoảng 40 triệu/lồng/năm. Công nghệ nuôi lồng lưới hiện nay khá phổ biến, được bà con nhân dân trong vùng lựa chọn thay thế hệ thống lồng tre truyền thống. Đây là một trong những phương thức nuôi tiên tiến, rất thuận lợi trong quá trình quản lý, chăm sóc cá nuôi và thu hoạch.
Năm 2013, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Hòa Bình bên cạnh những thuận lợi về diện tích mặt nước lớn, bà con có nhiều kinh nghiệm nuôi cá lòng hồ lâu năm. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi khó khăn do phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu, thời tiết, thiếu vốn, con giống tăng cao, địa bàn nuôi dàn chải nên công tác quản lý gặp nhiều trở ngại. Để ngành thủy sản của tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh trong những năm tới, Sở NN&PTNT đã đề ra các gải pháp cụ thể: Tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh thủy sản; Ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến cả về giống, nuôi, bảo vệ nguồn lợi phù hợp cho người nuôi; Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản đủ mạnh ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; Tăng cường công tác khuyến ngư đến các hộ dân. Sở NN&PTNT tỉnh cũng đề nghị Trung tâm khuyến nông Quốc gia tiếp tục tạo điều kiện cho tỉnh Hòa Bình được tham gia vào các chương trình, dự án phát triển nuôi cá lồng bền vững; tiếp tục giúp đỡ, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên ngành thủy sản của tỉnh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()