Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – EU 2013
Ngày 29/5, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCMC) phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam, tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – EU 2013.
Ngày 29/5, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCMC) phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam, tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – EU 2013.
|
Tại diễn đàn (ảnh: vccinews.vn) |
Tại diễn đàn, các cơ quan hữu quan, hiệp hội đã giới thiệu bức tranh tổng quan về tình hình kinh tế của Việt Nam và EU, đề xuất những kiến nghị nhằm nâng tầm quan hệ thương mại – đầu tư song phương lên tầm cao mới, qua đó tạo cơ hội và hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác. Năm 2012, EU đã vượt qua Hoa Kỳ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam , với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 29,09 tỉ USD, tăng 19,77% so với năm 2011. Riêng ba tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt trên 6 tỉ USD, tăng 26,18% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó xuất khẩu đạt 4,34 tỉ USD, tăng 27,18%) và nhập khẩu đạt 1,78 tỉ USD, tăng 23,74%.
Ông Đặng Trung Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương, cho biết: Bộ đã triển khai cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp về Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (GSP) giai đoạn 2014 – 2016. Cụ thể, ngày 31/10/2012, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Quyết định số 978/2012 về Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mới của châu Âu, áp dụng từ ngày 1/1/2014 với nhiều quy định thay đổi so với GSP hiện hành. Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam được hưởng GSP giai đoạn 2009 – 2013, điển hình như hàng hóa thuộc Mục II gồm: giày dép, túi xách, ô dù… sẽ không được tiếp tục hưởng GSP trong giai đoạn 2014 – 2016. Bên cạnh đó, trong tương lai các rào cản tại EU cần chú trọng không phải là vấn đề của mở cửa thị trường (rào cản thuế, cho phép hay không cho phép), mà chủ yếu là những vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Dịp này, các chuyên gia thuộc Phái đoàn EU đã cập nhật những giải pháp thiết thực về phương thức tiếp cận chuỗi giá trị để tranh thủ cơ hội của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), xây dựng chiến lược kinh doanh ngành hàng để thâm nhập hiệu quả vào thị trường EU… Đặc biệt, khi cần hỗ trợ hay tìm kiếm thông tin về thị trường, đối tác xuất – nhập khẩu… doanh nghiệp Việt Nam – EU có thể truy cập Cổng thông tin thương mại EU export – helpdesk, để có những kết quả chuẩn xác.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()