Diễn đàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014
Ngày 7/1, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam (VAA), Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) tổ chức Diễn đàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 2014.
Tình hình kinh doanh năm 2013 có dấu hiệu được cải thiện
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI cho biết: Trong tháng 11 – 12/2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tiến hành khảo sát nhanh động thái doanh nghiệp Việt Nam năm trên quy mô toàn quốc để đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2013 và dự cảm cho năm 2014.
Kết quả cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2013 có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 cao hơn nhiều so với cuối năm 2012. Doanh số bán hàng có sự đột biến mạnh, cùng với đó là sự cải thiện năng suất lao động. Tổng doanh số năm 2013 có xu hướng được cải thiện so với năm 2012, tuy nhiên, mức cải thiện chưa đáng kể. Trong khi đó, giá bán bình quân năm 2013 giảm so với năm 2012.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong 11 tháng của năm 2013 số doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động là 12.709 doanh nghiệp. Trong đó, đa số tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cũng theo bà Hằng, trong thời gian qua, nhờ việc đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nên trong năm 2014 các doanh nghiệp dự cảm tình hình sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều khởi sắc, giá bán bình quân sẽ có xu hướng tăng cao hơn, lượng đơn đặt hàng sẽ tăng lên so với năm 2013 và mọi nguồn lực trong doanh nghiệp sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Rủi ro nhưng cũng không ít cơ hội
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đòi hỏi không được chủ quan. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, do nền kinh tế Việt Nam rất mở về thương mại, đầu tư nên những thay đổi, biến động của nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dự báo của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều khá thận trọng. Theo đó, Việt Nam sẽ phục hồi theo chiều hướng chung của thế giới nhưng chưa mạnh và năm 2014 được dự đoán sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và hợp tác mới cho Việt Nam, điển hình như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán nhiều hiệp định thương mại và hợp tác khác sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Trọng Hậu, Cục phó Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014 Chính phủ sẽ tập trung mạnh hơn vào những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng… Đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài…
Đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh trong 2014, bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn. Để giảm thiểu tối đa rủi ro, doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn làn, theo đám đông. Lợi ích chính sách không đến một cách ngẫu nhiên mà thay vào đó các doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp, lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()