Diễn đàn Bác Ngao thảo luận phát triển hậu Covid-19
Sáng 21/4, tại thị trấn Bác Ngao thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, đã diễn ra lễ khai mạc hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao với sự tham dự trực tuyến của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo một số nước và tổ chức quốc tế, cùng hơn 1.000 đại biểu đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng thế giới ngày nay đang đối mặt những biến đổi chưa từng có, đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng cho nhân loại như đại dịch Covid-19, các mối đe dọa an ninh truyền thống mới, động lực phục hồi kinh tế toàn cầu còn yếu, chênh lệch phát triển ngày càng lớn, cũng như các vấn đề về quản trị biến đổi khí hậu và quản trị số. Hơn hai năm qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực ứng phó thách thức từ đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế thế giới.
Đánh giá về vai trò của châu Á trong sự phát triển chung của thế giới, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, trong mấy chục năm qua, châu Á đã duy trì ổn định khu vực và sự tăng trưởng nhanh, bền vững về kinh tế, tạo ra những “kỳ tích châu Á”; đồng thời kêu gọi tiếp tục phát huy khả năng phục hồi, trí tuệ và sức mạnh của châu Á, tập trung phát triển và xây dựng khu vực trở thành động lực cho hòa bình, ổn định, tăng trưởng và hợp tác của thế giới.
Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến từ ngày 20 đến 22/4, với chủ đề “Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung”, thu hút sự tham gia của lãnh đạo chính phủ, đại diện doanh nghiệp, học giả và truyền thông, để cùng thảo luận về phương hướng phát triển của châu Á và thế giới sau đại dịch Covid-19, tập trung vào các vấn đề phát triển xanh, phát triển sáng tạo, phát triển bao trùm, hợp tác phát triển, nhằm thúc đẩy đoàn kết và hợp tác quốc tế.
Ngày 20/4, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã công bố hai báo cáo về “Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập châu Á” và “Châu Á và thế giới phát triển bền vững” với dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2022 sẽ đạt 4,8%, cũng như tỷ trọng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên mức 47,4% tính theo sức mua tương đương.
Báo cáo thường niên năm 2022 của Diễn đàn châu Á Bác Ngao về “Phát triển bền vững: Chuyển đổi xanh ở châu Á” cũng kêu gọi các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á triển khai các hành động nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh ở khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()