Diễn biến tích cực ở Sudan
Người dân Sudan bày tỏ vui mừng khi chính phủ mới được thành lập.
Bộ trưởng Tài chính Sudan I.En-ba-đa-oa đã công bố chương trình kinh tế 200 ngày, theo đó sẽ tập trung vào năm lĩnh vực ưu tiên gồm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu ngân sách, ổn định giá cả, hạ giá thành sinh hoạt, giải quyết các vấn đề của giới trẻ và chuyển từ viện trợ nhân đạo sang phát triển bền vững tại các khu vực xung đột. Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng một nền kinh tế vĩ mô có khả năng đạt được giá trị gia tăng thông qua các ngành công nghiệp. Đây là bước đi đầu tiên mà Sudan xúc tiến sau khi chính phủ chuyển tiếp của nước này tuyên thệ nhậm chức. Các vấn đề kinh tế cũng từng là nguyên nhân chính dẫn tới bùng phát các cuộc biểu tình hồi cuối năm ngoái sau khi chính quyền quyết định tăng giá bánh mì lên gấp ba lần. Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng biến thành phong trào phản kháng lật đổ chính quyền cựu Tổng thống A.Bashir, người nắm quyền lực ở Sudan từ năm 1989.
Sudan hiện bước vào thời kỳ mới của quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự sau ba mươi năm cầm quyền của Tổng thống A.Bashir. Chính phủ mới của Thủ tướng A.Hamdok, nhà kinh tế kỳ cựu, bao gồm 18 bộ trưởng, trong đó có bốn phụ nữ, có trách nhiệm điều hành đất nước Sudan trong thời gian chuyển tiếp 39 tháng. Đây là kết quả đàm phán khó khăn giữa các phe phái ở nước này. Tháng 8 vừa qua, Sudan đã thành lập một Hội đồng cầm quyền chung, một cơ quan với đa số là dân sự, để giám sát quá trình chuyển đổi. Chính phủ mới đối mặt nhiều thách thức như khôi phục kinh tế và chấm dứt xung đột giữa các nhóm quyền lực và phiến quân ở các khu vực.
Những diễn biến tích cực trên chính trường Sudan đã khiến Liên minh châu Phi (AU) hủy lệnh đình chỉ tư cách thành viên của Sudan. Lệnh đình chỉ này đã được áp đặt sau khi xảy ra cuộc đụng độ đẫm máu giữa các lực lượng an ninh của chính quyền Khartoum với người biểu tình. Hội đồng Hòa bình và an ninh của AU cho biết, quyết định dỡ bỏ được đưa ra sau khi Sudan thành lập Hội đồng cầm quyền chung. Hội đồng này nhấn mạnh, đây là cách duy nhất để Sudan thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Động thái này cũng được Chủ tịch Ủy ban châu Phi M.Faki ca ngợi là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” cho Sudan.
Tân Thủ tướng Sudan A.Hamdok kêu gọi Mỹ đưa nước này ra khỏi danh sách những nước tài trợ khủng bố, đồng thời khẳng định động thái này rất quan trọng đối với việc phục hồi kinh tế đất nước. Cuối năm 2017, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Sudan từ năm 1997, nhưng vẫn giữ nước này trong danh sách “tài trợ khủng bố”. Giới chức cấp cao Sudan, bao gồm cả những người thuộc chính quyền của Tổng thống bị phế truất A.Bashir, đều cho rằng việc tiếp tục bị coi là nước tài trợ khủng bố đã cản trở Khartoum thu hút đầu tư nước ngoài, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Sudan hiện đang đàm phán với Mỹ về vấn đề này và hy vọng sẽ có những tiến triển trong thời gian tới. Chính phủ Sudan khẳng định, sự hồi sinh kinh tế trong dài hạn của Sudan phụ thuộc vào xây dựng môi trường phù hợp cho lĩnh vực sản xuất, đồng thời nêu rõ điều này phụ thuộc lớn vào việc Mỹ đưa Sudan ra khỏi “danh sách đen”.
Năm 2018, Sudan xếp ở vị trí 167 trên tổng số 189 về chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, Sudan bắt đầu trở lại tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. Nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế có những hỗ trợ phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Liên hợp quốc đánh giá cao những tiến triển đang diễn ra ở Sudan nhằm sớm ổn định cuộc sống của người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()