Diễn biến thị trường sau một tuần tăng giá xăng, dầu
Sau một tuần tăng giá xăng, dầu, giá rau, quả thực phẩm ở Hà Nội vẫn ổn định. Sau một tuần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu, người tiêu dùng đang từng ngày quan tâm diễn biến thị trường và sự tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, nhất là những nhu yếu phẩm liên quan đến bữa ăn hằng ngày.Thị trường Hà Nội: giá hàng hóa ổn địnhBà Hoàng Thị Lan, ở 271, Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Cửa hàng bà nhập hàng khá thường xuyên (một tuần ba lần). Chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong đời sống như: mì tôm, dầu ăn, bột canh, mì chính, sữa... Khi biết tin xăng, dầu tăng giá, bà cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các loại hàng chưa có điều chỉnh gì lớn. Trong số các sản phẩm bà nhập thường xuyên, mới chỉ có sản phẩm mì ăn liền Gấu đỏ là được nhà phân phối thông báo tăng giá trong lần nhập hàng tới, các mặt hàng khác giá vẫn giữ nguyên như trước thời kỳ tăng giá xăng. Khảo sát sơ...
Sau một tuần tăng giá xăng, dầu, giá rau, quả thực phẩm ở Hà Nội vẫn ổn định. |
Thị trường Hà Nội: giá hàng hóa ổn định
Bà Hoàng Thị Lan, ở 271, Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Cửa hàng bà nhập hàng khá thường xuyên (một tuần ba lần). Chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trong đời sống như: mì tôm, dầu ăn, bột canh, mì chính, sữa… Khi biết tin xăng, dầu tăng giá, bà cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ bản các loại hàng chưa có điều chỉnh gì lớn. Trong số các sản phẩm bà nhập thường xuyên, mới chỉ có sản phẩm mì ăn liền Gấu đỏ là được nhà phân phối thông báo tăng giá trong lần nhập hàng tới, các mặt hàng khác giá vẫn giữ nguyên như trước thời kỳ tăng giá xăng. Khảo sát sơ bộ giá thực phẩm tại một số chợ ở Hà Nội như: Định Công, Thành Công, chợ Vồi (Thường Tín)… giá rau cải ngồng 20 nghìn đồng/kg, cải cúc 15 nghìn đồng/kg, hành lá 40 nghìn đồng/kg; cà chua 20 nghìn đồng/kg. Giá thịt lợn từ 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/kg tùy loại; giá thịt bò từ 190 nghìn đồng đến 220 nghìn đồng/kg… Ở mức như trước đây. Riêng các mặt hàng thủy sản như tôm, cua, mực… giá tăng nhẹ từ 3% đến 5%; người kinh doanh giải thích do các mặt hàng này phải vận chuyển từ xa đến nên chi phí vận chuyển tăng lên. Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết: Giá hàng hóa tăng hay giảm từng ngày chủ yếu là do khả năng cung – cầu hàng hóa. Nếu ít hàng thì giá cao, nhiều hàng thì giá thấp, chứ giá xăng, dầu trong thời điểm hiện nay chưa tác động nhiều tới giá hàng hóa.
Tại các siêu thị lớn như Vincom, Big C, Fivimart… hầu hết các mặt hàng giá tương đối ổn định. Chị Đặng Minh Lý, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị đi siêu thị Big C cách đây hơn một tuần, đến hôm nay giá cả vẫn như trước, không có biến động nhiều. Chia sẻ về khả năng giữ bình ổn giá tại siêu thị, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội, nói: Việc tăng giá xăng ảnh hưởng tức thì đến các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, nhất là các doanh nghiệp vận tải ta-xi cho nên họ điều chỉnh tăng giá. Còn đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại thì có ảnh hưởng, nhưng chưa tạo ra phản ứng tức thì vì nhiều lý do như nguyên vật liệu dự trữ vẫn còn, hàng hóa đã sản xuất từ trước, hơn nữa trong điều kiện sức mua không tăng, nếu tăng giá sẽ khó tiêu thụ hàng. Cho đến nay, Big C vẫn chưa nhận được yêu cầu tăng giá của các nhà cung ứng vì lý do tăng giá nhiên liệu. Đến thời điểm này giá các mặt hàng tại Big C không có biến động. Trong trường hợp các nhà sản xuất yêu cầu tăng giá các mặt hàng thông thường, Big C sẽ yêu cầu nhà cung cấp giải trình lý do, mức tăng có hợp lý hay không, sau đó mới đàm phán mức tăng giá cũng như thời điểm áp dụng để bảo vệ sức mua và quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Big C cũng khuyến khích, kêu gọi các nhà cung cấp cùng Big C tổ chức các chương trình khuyến mãi, chương trình giảm giá đối với khách hàng có thẻ Ưu đãi Big C… để tăng cường quảng bá cho hàng hóa sản phẩm, đồng thời kích cầu tiêu dùng.
Tây Nguyên: Nhiều cơ quan, đơn vị và người trồng cà-phê tiết kiệm xăng, dầu
Việc tăng giá xăng, dầu lần này đúng vào thời kỳ hàng chục nghìn hộ dân ở Tây Nguyên đang tập trung tưới cà-phê, khiến người trồng cà-phê khó khăn hơn. Ngay sau khi xăng, dầu tăng giá, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người dân đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí xăng, dầu, ổn định đời sống và sản xuất. Theo thống kê từ ngành công thương các tỉnh Tây Nguyên, với 400 nghìn ha cà-phê, lần tăng giá xăng, dầu vừa qua đã làm tăng thêm chi phí gần 500 tỷ đồng, nếu so với thời điểm đầu năm 2011, thì nông dân Tây Nguyên phải đầu tư thêm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa (Đác Nông) có ba ha cà-phê, cho biết: Kể từ khi bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ 2011-2012 đến nay, giá cà-phê trên thị trường liên tục giảm từ 50 nghìn đồng/kg xuống 38 nghìn đồng/kg và đến thời điểm hiện nay đang dao động ở mức trên dưới 40 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công lao động đều tăng cao. Trong khi gia đình ông cũng như nhiều người trồng cà-phê đang băn khoăn, chưa biết có nên đầu tư đúng mức cho vườn cà-phê hay không thì giá xăng, dầu lại tăng từ 1.000 đến 2.100 đồng/lít khiến ông Thanh không khỏi lo lắng. Với diện tích hiện có, trong mùa khô hiện nay, mỗi đợt tưới gia đình ông phải bỏ ra từ 12 đến 15 triệu đồng mua xăng, dầu, thuê nhân công tưới. Sau khi xăng, dầu tăng giá, theo tính toán mỗi đợt tưới phải tốn thêm ít nhất từ một đến 1,2 triệu đồng tiền dầu. Vì vậy, để giảm chi phí xăng, dầu, ông đang bàn tính với những gia đình có rẫy chung quanh đầu tư kéo một đường dây điện ba pha ra tận rẫy để tưới bằng máy bơm điện, chắc chắn sẽ giảm chi phí hơn nhiều. Về lâu dài, để giảm các đợt tưới nước trong mùa khô, vào đầu mùa mưa tới gia đình ông sẽ tăng cường trồng cây che bóng mát và chắn gió trong vườn cà-phê. Đối với những diện tích cà-phê chưa giáp cành thì kiếm rơm, rác ủ vào gốc để giữ độ ẩm, có thể giảm được một đến hai đợt tưới trong một mùa khô. Qua khảo sát sau khi xăng, dầu tăng giá, không riêng gì gia đình ông Thanh, nhiều gia đình ở các vùng trọng điểm cà-phê Đác R’lấp, Đác Min, Đác Song… đều thực hiện các biện pháp để giảm chi phí trong các đợt tưới cà-phê, trong đó giải pháp được nhiều người áp dụng nhất là thay máy bơm nước bằng máy nổ sang máy bơm điện, giảm gần một phần ba chi phí.
Không riêng những người trồng cà-phê, hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đác Nông đều triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí liên quan đến xăng, dầu. Đối với các cơ quan lâu nay bố trí xe ô-tô đưa đón cán bộ, công chức từ Đác Nông về Đác Lắc, sau khi giá xăng, dầu tăng, một số cơ quan không bố trí xe đưa đón nữa mà để cán bộ, công chức đi lại bằng xe buýt. Nhiều cán bộ có nhà ở Đác Lắc trước đây bố trí hai, ba xe nay dồn lại chỉ còn một xe. Nhiều gia đình có xe ô-tô riêng cũng thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, không đi lại nhiều như trước nữa. Anh Nguyễn Thanh Lâm, một doanh nhân ở phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa cho biết: Trước đây khi xăng, dầu chưa tăng giá, anh thường xuyên đi lại bằng ô-tô, kể cả trong địa bàn thị xã Gia Nghĩa, vào những dịp cuối tuần, thường sử dụng xe ô-tô chở gia đình, bạn bè đi chơi, nhưng sau khi xăng, dầu tăng giá, chỉ những công việc cần thiết mới đi ô-tô, còn lại đi bằng xe buýt hoặc xe máy để tiết kiệm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()