“Điện Biên Phủ trên không”chiến thắng lịch sử oanh liệt
(LSO) – Chiến thắng trong “Cuộc quyết đấu lịch sử – Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972 là đòn giáng tạo sức mạnh cho phương châm của Đảng đề ra trong quá trình chiến đấu chống Mỹ cứu nước: “vừa đánh, vừa đàm” dẫn đến việc kết thúc 21 năm chiến tranh xâm lược kiểu mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” khẳng định đường lối đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta kết hợp sức mạnh chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân. “Những vũ khí và trang bị hiện đại đâu phải là tất cả. Người Mỹ đã thua trận bởi họ không hiểu được điều đó. Nhất là đối thủ của họ lại là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúng ta đã chiến thắng không chỉ bằng lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, mà còn có những thiên tài và trí tuệ của dân tộc” (“Phi công Mỹ ở Việt Nam”, Nxb CAND năm 2013).
“Cuộc quyết đấu lịch sử – Trận “bão lửa” Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972 bắt đầu từ đêm 18/12/1972, kết thúc lúc 24 giờ ngày 29/12/1972.
Máy bay chiến lược B52 được Mỹ tuyên bố là “át chủ bài” của không quân Mỹ, chúng tin rằng, B52 bất khả xâm phạm, chỉ có thời tiết hoặc trục trặc kỹ thuật, quyết không thể bị bắn rơi vì hỏa lực phòng không của Bắc Việt. Trong chiến dịch ném bom vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng gần một nửa số máy bay ném bom chiến lược B52 của toàn nước Mỹ (193/400 chiếc); hơn 1/3 số máy bay chiến thuật của quân đội Mỹ (1.077/3.041 chiếc) bằng lực lượng không quân của cả 2 nước Anh và Tây Đức hồi ấy; 1/4 số tàu sân bay (6/24 chiếc) và hàng trăm máy bay tiếp dầu trên không, máy bay gây nhiễu điện tử, trinh sát, các loại máy bay chỉ huy dẫn đường, cứu nạn và 5 tàu sân bay hiện đại ở Thái Lan, ngoài Thái Bình Dương, Philippin và Nhật Bản.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. Ảnh: Tư liệu
Đảng đã lãnh đạo quân đội và nhân dân ta chủ động chuẩn bị vật chất kỹ thuật sẵn có và nước bạn chi viện, chuẩn bị về cả tinh thần chiến đấu để sẵn sàng quyết đấu thắng lợi trận “Điện Biên Phủ trên không”. Đáng quan tâm là Mỹ đã dùng B52 rải thảm ở một số nơi nhằm đe dọa, trước khi mở cuộc tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng.
Buổi tối mùa xuân 1968 tại ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã căn dặn đồng chí Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng những lời tiên tri: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi mới chịu thua, chú nên nhớ: Trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Còn ở Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi đã bại trên bầu trời Hà Nội”. Bác khẳng định: Dù Đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh… Mà đánh là nhất định thắng”; Bác mời đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân lên gặp và chỉ thị: “Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú phòng không – không quân…”.
Thực hiện lời dạy của Bác, cuối tháng 2/1968, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” ra đời. Sau đó, từ tháng 11/1972, các tài liệu cần thiết khác của Quân chủng Phòng không – Không quân lần lượt hoàn thành như: “Cách chống nhiễu thông tin”; “Quy trình bắt B52 trong nhiễu” và đặc biệt tài liệu “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” (gọi là cuốn cẩm nang đỏ).
Thực hiện các phương án đó, trước khi diễn ra “cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa Việt Nam đã từng 4 lần bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ: ngày 17/9/1967 bắn rơi B52 ở Vĩnh Linh; ngày 18/3/1971, bắn rơi B52 trong chiến dịch đường 9 Nam Lào; ngày 2/4/1972, bắn rơi B52 ở Quảng Trị.
Những ngày “bão lửa” trên bầu trời Hà Nội năm ấy, tất cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đều có mặt tại Hà Nội trực tiếp chỉ đạo toàn quân, toàn dân đánh giặc. Trước tiên là sơ tán 30 vạn dân ra khỏi Hà Nội, nhường địa bàn cho quân đội, giảm thiệt hại tối đa cho dân.
Cuộc quyết đấu bắt đầu từ đêm 18/12/1972, chúng ta không hề bất ngờ. Từ 19 giờ, sau hàng loạt tên lửa SAM2 vút lên bầu trời Hà Nội, bão lửa trở thành “Thăng Long chiến địa”. 23 giờ 13 phút, chiếc B52 đầu tiên do trận địa Cổ Loa (Đông Anh) bắn rơi; đêm 20/12, ta bắn rơi 15 máy bay trong đó có 7 chiếc B52 và 2 chiếc F111 (cánh cụp cánh xòe, đắt hơn B52); đêm 26/12 là đêm Mỹ thua đau nhất với 8 chiếc B52 bị bắn rơi; đêm 27/12, phi công Phạm Tuân lái MIG 21, bắn rơi một B52 trên vùng trời tỉnh Hòa Bình, chiếc B52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi cùng với 4 chiếc B52 khác bị bắn rơi đêm 26/12; đêm 28/12, trong số 30 chiếc B52 xâm phạm vùng trời Hà Nội, có 1 chiếc bị máy bay do phi công Phạm Xuân Thiều điều khiển lao thẳng vào và 1 chiếc khác bị bộ đội tên lửa bắn rơi…
Trong 12 ngày đêm năm ấy, không lực Hoa Kỳ đã mất tới 81 chiếc máy bay hiện đại, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 21 chiếc F4C và F4E… thêm rất nhiều phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Trong cuộc chiến đấu này, Mỹ đã sử dụng 444 lượt B52, chúng trút xuống Hà Nội 10.000 tấn bom, gây thiệt hại về người và của: sập 5.480 ngôi nhà, sát hại 2.368 dân thường và làm 1.355 người khác bị thương. Tại nơi đây, đã xây dựng “Đài tưởng niệm Khâm Thiên” để ghi dấu tội ác chiến tranh.
Chiến thắng B52 lịch sử chứng minh sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng ta, khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của lực lượng vũ trang 3 thứ quân của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân và dân thủ đô Hà Nội anh hùng. Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, biết bao tấm lòng của bạn bè khắp nơi trên thế giới đã hướng về Việt Nam với con mắt cảm phục. Melena – nhà thơ Hy Lạp đã ca ngợi Việt Nam bằng những vần thơ chân thực, đầy hình ảnh: “Ôi Việt Nam, đất nước của những căn nhà nhỏ/Của những con người mà tầm vóc không cao/Nhưng chiến công của họ/Thật hiển hách lớn lao”.
Ý kiến ()