Điện Biên Phủ, ngày 31-3-1954, cuộc chiến đấu tại đồi A1 ở thế giằng co quyết liệt
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nhận định: Qua đêm đầu bộ đội ta đã hoàn thành một phần quan trọng nhiệm vụ đợt hai.
Về phía địch, De Castries tung lực lượng ra cố chiếm lại các vị trí đã mất. Riêng ở cứ điểm A1 do tính chất quan trọng của nó, 5 đại đội của địch có xe tăng, máy bay và pháo binh yểm hộ, đã tìm mọi cách thu hẹp địa bàn chiếm lĩnh của Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.
Về phía ta, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nhận định: Qua đêm đầu, bộ đội ta đã hoàn thành một phần quan trọng nhiệm vụ đợt hai, nhưng còn một phần chưa hoàn thành, đặc biệt là chưa chiếm được điểm cao then chốt phòng ngự A1. Cuộc chiến đấu tại khu vực đồi A1 đã và đang rất gay go. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho thay đổi lực lượng tiếp tục tiến công diệt cứ điểm A1, đồng thời tăng cường hoạt động ở mặt Tây và mặt Bắc Mường Thanh, buộc địch phải phân tán đối phó.
Cụ thể, Đại đoàn 308 đưa Trung đoàn 102 sang hướng Đông cùng Trung đoàn 174 tiếp tục tiến công A1, đồng thời cho các Trung đoàn 88, 36 đánh cứ điểm 106 và uy hiếp địch ở Tây Mường Thanh. Đại đoàn 312 cho lực lượng tiêu diệt cứ điểm 105 tăng thêm phần uy hiếp địch ở phía Bắc. Thực hiện chủ trương đó, đêm 31-3, bộ đội ta tiến công A1 lần thứ hai.
Theo cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", sự quyết tâm, chiến đấu đến cùng của cán bộ, chiến sĩ ta cho dù có phải hy sinh cả tính mạng của mình: Sau 25 phút, địch chiếm lại gần hết đồi D1, dồn đại đội phòng ngự của ta vào một góc. Tình thế trở nên nguy ngập. Chiến sĩ Trần Ngọc Bội, tổ trưởng tổ 3 người thét to: "Thà chết không bỏ trận địa!". Những câu nói đúng lúc từ bản thân người lính tại trận địa thường đem lại sức mạnh. Các chiến sĩ vùng lên dùng lửa đạn, lưỡi lê đánh lui những đợt phản kích của địch. Ta dùng pháo bắn chặn và điều lực lượng lên tăng viện. Hai đại đội của ta đã đảo lộn thế trận.
Sau 1 giờ chiến đấu, những tên địch sống sót tháo chạy về Mường Thanh. Chỉ huy Marcel Bigeard đã không chiếm lại được Dominique 2 mà còn phải bỏ luôn cả Dominique 6 (D3) và rút trận địa pháo tại Dominique 5 (210), vì biết những điểm cao này không thể đứng vững nếu đã mất Dominique 2.
Lúc này địch cũng đã đưa Tiểu đoàn Dù số 6 lên thay thế Tiểu đoàn Bắc Phi bị đánh thiệt hại nặng trong đêm hôm trước.
Để tạo thế bất ngờ, Trung đoàn trưởng Hùng Sinh và Chính ủy Lê Linh quyết định không dùng pháo bắn phá hoại mà chỉ tập trung hỏa lực trợ chiến bắn uy hiếp địch trong ba phút rồi cho bộ đội xung phong ngay và đã nhanh chóng chiếm được nửa cứ điểm địch ở phía Đông. Các chiến sĩ Trung đoàn 102 có sự phối hợp của một bộ phận Trung đoàn 174 tiến lên đánh chiếm ụ đất lớn trên đỉnh đồi mà ta đã đoán ra là trong đó có hầm ngầm kiên cố của địch. Nhưng tình hình lại diễn ra giống như đêm hôm trước. Bộ đội ta tổ chức bốn đợt xung phong đều không vượt được khỏi tuyến ngang trước hầm ngầm và phải trụ lại ở nửa phần phía Đông của đồi A1.
* Trong ngày 31-3-1954, bộ đội ta đã đánh lui 7 đợt phản kích của hai tiểu đoàn dù. Chiến sĩ ĐKZ Vũ Văn Kiểm được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng nhất.
16 giờ cùng ngày, Bigia buộc phải ra lệnh rút lui.
THÀNH VINH
(Trích: Chiến dịch Điện Biên Phủ-Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014; Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018)
Ý kiến ()