Điện Biên Phủ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế
Chiến thắng của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử và quốc tế. Chiến thắng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập dân tộc, hòa bình thế giới và tiến bộ xã hội mà còn góp phần làm thay đổi mối quan hệ giữa các nước trên thế giới.
Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống lại chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc đã diễn ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, sau khi bị thực dân đô hộ. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1945 đến trước Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong giai đoạn này có khoảng 20 nước giành được độc lập. Giai đoạn thứ hai là từ năm 1954 đến cuối những năm sáu mươi. Trong giai đoạn này có khoảng 40 nước giành được độc lập. Giai đoạn thứ ba là từ đầu những năm bảy mươi. Trong giai đoạn này với sự sụp đổ của chế độ độc tài ở Bồ Đào Nha, các thuộc địa của Bồ Đào Nha ở châu Phi nổi dậy đấu tranh để giành độc lập, đó là Angola, Mozambique.
Nhìn qua ba giai đoạn, chúng ta thấy đại bộ phận các nước giành độc lập là trong giai đoạn thứ hai, tức là từ sau Điện Biên Phủ. Phần lớn các nước này ở châu Phi và trong khoảng 40 nước giành được độc lập thì khoảng 32 nước là thuộc địa của Pháp. Đó là do tác động to lớn của chiến thắng của nhân dân Việt Nam và thất bại to lớn của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Thất bại ở Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải có một chính sách thích đáng đối với nhân dân các thuộc địa của Pháp. Trước đây, Pháp đặt ra cái gọi là Liên hiệp Pháp (Union Francaise) làm khuôn khổ cho nền thống trị Pháp đối với các thuộc địa. Sau đó, Pháp lập ra một tổ chức mới gọi là cộng đồng Pháp (Communauté Francaise) với một quy chế tôn trọng quyền của các dân tộc và quyền tự trị cao hơn. Pháp buộc phải công nhận cho nhiều nước ở châu Phi được độc lập, trước tiên là các nước Morocco, Tunisia.
Riêng về Algeria có một cộng đồng người châu Âu di dân đã lâu (định cư ở Algeria), Pháp không chịu trao trả độc lập. Tháng 11-1954, Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria bắt đầu cuộc đấu tranh quân sự. Đến năm 1962, Pháp buộc phải ký hiệp ước Evian trao trả độc lập cho Algeria.
Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đưa đến việc triệu tập Hội nghị Geneva về Triều Tiên và Đông Dương vào năm 1954. Hội nghị gồm năm nước lớn, hai bên Việt Nam, Lào và Campuchia. Lúc đầu Mỹ phản đối việc mời Trung Quốc dự. Tuy nhiên Liên Xô đã đấu tranh cho việc Trung Quốc vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Mỹ phủ quyết. Mỹ phản đối việc Trung Quốc dự Hội nghị Geneva. Cuối cùng Mỹ buộc phải chấp nhận. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đóng vai trò một cường quốc trong một hội nghị quốc tế.
Với cuộc chiến tranh đẫm máu ở Đông Dương, đặc biệt thất bại ở Điện Biên Phủ đã làm Pháp suy yếu và buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva 1954, chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định này cũng chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại khu vực và công nhận độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngày ký kết Hiệp định Geneva trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự kết thúc chiếm đóng của thực dân Pháp và mở ra một giai đoạn mới cho ba nước Đông Dương Việt Nam, Lào và Campuchia.
Đồng thời, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế. Đó là việc hình thành một lực lượng thứ ba trên thế giới bên cạnh hệ thống đế quốc chủ nghĩa và hệ thống xã hội chủ nghĩa…
Từ năm 1961, hình thành phong trào không liên kết. Lần thứ nhất, phong trào không liên kết họp ở Belgrade vào năm 1961, gồm 25 nước. Đến năm 1992, đã họp cấp cao phong trào không liên kết lần thứ mười ở Jakarta gồm hơn 100 nước. Phong trào không liên kết đã trở thành một lực lượng chính trị to lớn trên trường quốc tế và có vai trò rất to lớn trong cuộc đấu tranh cho độc lập, hòa bình và tiến bộ xã hội.
Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của ý chí giành độc lập của các dân tộc nhược tiểu đánh bại một đế quốc hùng mạnh. Điều đó đã cổ vũ rất mạnh mẽ nhân dân các nước thuộc địa nói chung và thuộc địa của Pháp nói riêng nổi dậy chống ách thực dân.
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là biểu tượng của sự ủng hộ về vật chất và chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì lẽ đó, xu hướng chung của phong trào giải phóng dân tộc và của phong trào không liên kết là tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa đế quốc.
Ý kiến ()