Điện Biên Phủ - Điểm đến của sự tri ân
(LSO) – Từ Lạng Sơn, vượt quãng đường hơn 500 km, qua nhiều khúc cua, đèo dốc của miền Tây Bắc, chúng tôi đến với mảnh đất Điện Biên, thăm nhiều điểm trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của cha ông ta ngày trước. Đã hơn 1 năm sau chuyến đi, nhưng hình ảnh về Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi.
Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên có hơn 40 điểm di tích thành phần. Trong đó có nhiều di tích nổi bật như: đồi A1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, hầm Đờ Cát, tượng đài chiến thắng, tượng đài kéo pháo, sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ… Đó đều là không gian lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, người dân Việt Nam luôn tự hào và khắc ghi công ơn thế hệ cha ông.
Mỗi điểm di tích đều có hướng dẫn viên giới thiệu các trận đánh oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, để lại cho chúng tôi và du khách tham quan nhiều cảm xúc khó tả. Trong đó, trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh cam go, quyết liệt nhất trong toàn chiến dịch song cũng là trận chiến khiến quân và dân ta thương vong nhiều nhất.
Du khách thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
“Di tích đồi A1 rộng chừng 100.000 m², trong những lần tôn tạo, nhiều hài cốt và quân tư trang liệt sỹ được tìm thấy rải rác khắp quả đồi. Vì thế, khi dẫn các đoàn đi tham quan, chúng tôi đều nhắc nhở du khách đi nhẹ, nói khẽ, bởi rất nhiều các anh hùng, liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi lòng đất”. – Hướng dẫn viên tại di tích này xúc động nói.
Dời di tích đồi A1, chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ. Trong hơn 640 ngôi mộ của những cán bộ, chiến sỹ quân đội ta đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch tại đây thì chỉ có 4 ngôi mộ khắc tên trên bia, còn lại đều là những ngôi mộ vô danh. Thắp nén hương thơm các phần mộ, chúng tôi dâng dâng niềm xúc động. Các anh hùng liệt sỹ tựa như tượng đài bằng đồng sừng sững trên di tích đồi D1, luôn sống mãi trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.
Đáng chú ý, trong bia tưởng niệm ở nghĩa trang có ghi danh sách 37 liệt sỹ người Lạng Sơn. Ông Lường Văn Nghĩa, quản trang ở đây chia sẻ: Nghĩa trang này quy tập phần mộ các liệt sỹ, có quê quán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhưng chỉ có danh sách chứ phần mộ khó xác định được. Đó còn chưa kể những anh hùng, liệt sỹ khác không xác định được tên tuổi, quên quán và còn nằm đâu đó nơi đất mẹ Điện Biên. Hằng năm, nhất là dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, rất đông du khách đến thắp hương tri ân.
Anh Nông Văn Huân, 30 tuổi, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cho biết: Tôi có người thân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và đã vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất Điện Biên. Tôi đã có dịp đến đó và hỏi về phần mộ của người thân mình nhưng không xác định được. Được đến tận nơi các điểm di tích, được nghe kể về tinh thần chiến đấu mưu trí, quả cảm của quân và dân ta, tôi thực sự xúc động và tự hào về cha ông ta. Đồng thời tự nhủ phải ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phụ sự hy sinh của thế hệ trước cho độc lập, tự do hôm nay…
Theo tìm hiểu, mỗi năm có hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm các điểm di tích chiến trường Điện Biên năm xưa, trong đó gần 20.000 lượt khách nước ngoài.
Rời Điện Biên, chúng tôi nuối tiếc vì chưa được đến thăm nhiều điểm di tích khác, trong đó có di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Hy vọng trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng tôi sẽ có nhiều dịp quay lại Điện Biên, thăm toàn bộ quần thể di tích để hiểu thêm giá trị lịch sử, để hành trình của sự tri ân thêm trọn vẹn và ý nghĩa, thiết nghĩ đó cũng là mong mỏi của nhiều người dù đã và chưa 1 lần tới Điện Biên.
Ý kiến ()