Điện Biên nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú
Bữa ăn trưa của học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ).
Quyết tâm đưa học sinh đến trường
Từ năm 2000 trở về trước, chất lượng dạy và học của tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Phổ biến là tỷ lệ học sinh đi học ít, đi học không đúng độ tuổi và bỏ học lấy vợ, lấy chồng. Tuy một số gia đình có điều kiện đã lo cho con em mình ở trọ nhà dân hoặc đóng góp dựng lều gần trường cho tiện đi học, nhưng giấc mơ con chữ vẫn nhọc nhằn. Các em ăn cơm không đủ no, áo mặc không đủ ấm, ngoài giờ đi học còn phải lội suối tìm con tôm, con cá hay vào rừng tìm rau dại cải thiện bữa ăn. Cuối mỗi tuần, lại vượt hàng chục cây số từ trường về nhà lấy gạo cho tuần học mới. Chỉ những gia đình nào khá hơn mới có tiền cho con mua thêm cá khô, muối, còn lại chỉ có gạo trắng “địu” về trường. Thế nên con chữ rụng rơi theo bữa no, bữa đói và nhiều em đã bỏ học. Nhớ lại thời đó, cô giáo Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT tiểu học số 2 Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) chia sẻ: Khi trường chưa có nhà ở bán trú, việc đến trường là một trở ngại lớn với học sinh vùng cao, gia đình các em phải làm lán quanh trường để con em ở. Khoảng từ ba đến năm em ở một lán, ngày nắng hứng bụi, ngày mưa chịu dột tứ bề. Cứ đầu năm học hoặc sau mỗi dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc, giáo viên lại lặn lội gõ cửa từng nhà để vận động học sinh trở lại trường.
Năm 2007, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Điện Biên quyết định thí điểm nuôi, dạy học sinh bán trú để gom học sinh về ăn, ở, học tập tại trường với sự quản lý, chăm sóc của giáo viên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý nhớ lại, một số huyện không ủng hộ triển khai do học sinh bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về dân tộc sẽ khó ăn, ở cùng nhau; giáo viên quản lý học sinh như thế nào để gia đình, xã hội yên tâm… Thậm chí còn có cả những lo lắng về việc giảm nhiều giáo viên cắm bản. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của lãnh đạo Sở GD và ĐT Điện Biên lúc ấy, quyết định đã được thực hiện.
Tháng 12-2008, Đề án đầu tư hệ thống nhà ở cho học sinh tại Trường phổ thông DTBT được UBND tỉnh Điện Biên thông qua. Ngay sau đó, Sở GD và ĐT tỉnh chọn huyện Tủa Chùa và Mường Nhé thí điểm thực hiện, với kế hoạch xây dựng 431 phòng bán trú; 173 gian nhà bếp; 42 công trình vệ sinh; 69 bể và giếng nước; 1.725 giường tầng sắt và 42 bộ thiết bị phục vụ sinh hoạt, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Trong đó, 50 tỷ đồng do Chính phủ, Bộ GD và ĐT hỗ trợ; 10 tỷ đồng ngân sách địa phương và cộng đồng hỗ trợ. Kết quả thí điểm đề án, hai huyện Tủa Chùa và Mường Nhé vui mừng báo cáo: Có 2.820 học sinh về nhà bán trú của trường ở, được thầy giáo, cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, được học tập kỹ năng sống và lao động sản xuất. Mừng nhất là số học sinh đi học chuyên cần tăng rõ rệt, không còn tình trạng nghỉ lễ hằng tháng trời như trước đây.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Sau năm đầu thí điểm thành công, năm 2010, Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên triển khai xây mới, sửa chữa nhà bán trú, nhà bếp chung, hệ thống nước, nhà vệ sinh, sân chơi, bảo đảm nhu cầu học tập, ăn ở, sinh hoạt cho gần 16 nghìn học sinh là con em đồng bào các DTTS học xa nhà tại 10 huyện, thị xã, thành phố. Không phải lo ăn từng bữa trong lán, không phải mệt nhọc đi bộ về nhà hằng tuần, cho nên số học sinh theo học trường phổ thông DTBT tăng vọt, tỷ lệ chuyên cần đạt 99% tổng số học sinh. Năm học 2004-2005, toàn tỉnh chỉ có 72 trường với 11.363 học sinh (trước đây gọi là trường bán trú dân nuôi), đến năm học 2012-2013, đã có hơn 100 trường với gần 20 nghìn học sinh. Cuối năm học 2018 -2019, toàn tỉnh Điện Biên đã có 140 trường phổ thông DTBT với tổng số 51.135 học sinh. Bên cạnh đó, chất lượng học tập tăng rõ rệt. Tỷ lệ học sinh nữ là con em đồng bào các DTTS tăng, giảm tình trạng nghỉ học sớm để lấy vợ, lấy chồng. Tổng kết năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 100% số trường phổ thông DTBT được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, sự vào cuộc trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên ngành GD và ĐT tỉnh, mô hình đầu tư xây dựng hệ thống trường phổ thông DTBT ở Điện Biên còn nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý khẳng định: Mô hình trường phổ thông DTBT có vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, đem lại hiệu quả thiết thực trong huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với việc học của con em. Cùng với các loại hình trường học khác, mô hình trường phổ thông DTBT đã góp phần quan trọng vào mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học; hình thành, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.
Từ hiệu quả của mô hình trường phổ thông DTBT, thời gian tới, ngành GD và ĐT tỉnh Điện Biên sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình, nhất là với những trường có học sinh bán trú nhưng chưa đủ số lượng học sinh để thành lập trường phổ thông DTBT. Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiến nghị cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành ở địa phương quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, chung tay tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng trường, lớp, nhà ở cho học sinh, phấn đấu 100% số học sinh DTTS nhà xa trường được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Ý kiến ()