‘Điện Biên năm ấy’ qua các tác phẩm hội họa
Triển lãm chuyên đề “Điện Biên năm ấy” diễn ra từ ngày 3-10/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) nhằm tôn vinh và bày tỏ lòng biết ơn tới những chiến sĩ, những người đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Công chúng tham quan triển lãm. |
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Anh Minh chia sẻ: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại, mang tầm vóc thời đại và ý nghĩa to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong những năm tháng hào hùng ấy, cùng với những đoàn quân ra trận có nhiều nghệ sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch. Họ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống, lao động, chiến đấu của quân và dân ta qua rất nhiều sáng tác, trong đó tiêu biểu có chùm ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp…
Sau này, mảng đề tài về chiến thắng Điện Biên hào hùng vẫn được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công như hình ảnh người chiến sĩ pháo binh trong tác phẩm “Đẩy pháo” của Phạm Thanh Tâm, “Kéo pháo Điện Biên” của Trần Đình Thọ…; hình ảnh đoàn văn công phục vụ kháng chiến trong tác phẩm “Tiếng hát mùa chiến dịch” của Mai Văn Hiến; các hoạt động trong vùng kháng chiến, hậu phương qua tác phẩm của các họa sĩ Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung, Mai Văn Hiến… Đặc biệt, nghệ sĩ Lê Lam, Ngọc Chi, Minh Khôi… còn khắc họa rõ nét hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – những người đưa dân tộc ta đến chiến thắng vinh quang.
Trải qua những tháng ngày gian khổ, khốc liệt ấy, những chiến sĩ anh dũng trong chiến đấu, hy sinh quên mình cho chiến thắng của dân tộc cũng là đề tài được các nghệ sĩ thể hiện với lòng biết ơn sâu sắc qua các tác phẩm “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh.
Đến với triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng khoảng 40 tác phẩm mỹ thuật trên các chất liệu điêu khắc, tranh giấy, sơn mài, sơn dầu… Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đã thể hiện chân thực các cuộc hành quân, hoạt động kéo pháo, các trận đánh, sự xả thân hy sinh của các anh hùng liệt sĩ; tình quân dân nồng ấm, giây phút thảnh thơi sinh hoạt giữa rừng của các chiến sĩ; đặc biệt là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ý kiến ()