Diễn biến mới xung quanh tình hình Syria
Cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có hồi kết khi công việc nội bộ của quốc gia Trung Đông này ngày càng bị phức tạp hoá bởi các quan điểm khác nhau không chỉ của người Syria.Ngày 30/11, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho biết sẽ cố gắng để giải quyết nội bộ cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, đồng thời phản đối các động thái nhằm đưa vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo diễn ra tại thành phố cảng Jeddah bên bờ Biển Đỏ, thảo luận về các cuộc đàn áp tại Syria đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Ekmeleddin Ihsanoglu nêu rõ: “Chúng tôi quan tâm tới vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và ổn định tại Syria, đồng thời phản đối sự can thiệp của cộng đồng quốc tế trong giải quyết khủng hoảng tại Syria. Chúng tôi sẽ hướng tới giải quyết nội bộ vấn đề Syria trong khuôn khổ đại gia đình hồi giáo, mà đại diện là Tổ chức Hợp tác...
Cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có hồi kết khi công việc nội bộ của quốc gia Trung Đông này ngày càng bị phức tạp hoá bởi các quan điểm khác nhau không chỉ của người Syria.
Ngày 30/11, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cho biết sẽ cố gắng để giải quyết nội bộ cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria, đồng thời phản đối các động thái nhằm đưa vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế.
Phát biểu trong cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo diễn ra tại thành phố cảng Jeddah bên bờ Biển Đỏ, thảo luận về các cuộc đàn áp tại Syria đã khiến hơn 3.500 người thiệt mạng, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Ekmeleddin Ihsanoglu nêu rõ: “Chúng tôi quan tâm tới vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh và ổn định tại Syria, đồng thời phản đối sự can thiệp của cộng đồng quốc tế trong giải quyết khủng hoảng tại Syria. Chúng tôi sẽ hướng tới giải quyết nội bộ vấn đề Syria trong khuôn khổ đại gia đình hồi giáo, mà đại diện là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo”.
Trong một diễn biến liên quan, Thổ Nhĩ Kỳ – đối tác thương mại lớn nhất của Syria – ngày 30/11 đã tạm ngừng tất cả giao dịch tài chính với Syria, đồng thời đóng băng tài sản của chính phủ nước này. Những động thái này nhằm ủng hộ Liên đoàn Arập cô lập Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong khi cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng thì các nguồn tin Libya ngày 30/11 cho biết, gần đây đã có 600 chiến binh nổi dậy ở Libya tới Syria để hỗ trợ cho phe đối lập nước này. Những nguồn tin trên giải thích tuyên bố của nhà lãnh đạo lâm thời Libya Mustafa Abdul Jalil về việc quốc gia này sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho phe nổi dậy ở Syria thực tế đã mở cánh cửa cho những người tình nguyện.
Nguồn tin cho rằng có sự phối hợp giữa chính phủ lâm thời Libya và phe đối lập Syria. Các chiến binh Libya đã vào Syria qua đường Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập Quân đội Syria Tự do nhằm chống lại các lực lượng ủng hộ ông Bashar al-Assad. Nguồn tin này khẳng định cánh cửa vẫn mở cho những người tình nguyện khác ở Libya nếu họ muốn chiến đấu.
Theo các nguồn tin quân sự, 150 chuyên gia của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã xuống một sân bay quân sự ở phía Nam thủ đô Damas của Syria và trên đường đến Lebanon để gia nhập Hezbollah – lực lượng vừa bắn rocket vào Israel.
Ngày 29/11, phát biểu trong buổi họp báo tại Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng, cộng đồng quốc tế có thể quyết định thiết lập một vùng đệm và đây là điều cần làm ở Syria nếu hàng trăm người tìm cách chạy nạn khỏi nước này. Tuy nhiên, việc thiết lập vùng đệm không nằm trong chương trình của Thổ Nhĩ Kỳ tại thời điểm này: “Chúng tôi tập trung vào các chính sách đã đưa ra cùng với Liên đoàn Arập. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng các bước đi cần thiết trong vấn đề này. Tôi mong rằng, chính quyền Syria sẽ xem xét lời khuyên từ các nước láng giềng, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước Aập khác và nước này sẽ không phải đối mặt với một tình hình như hiện tại”.
Ông Davutoglu cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỹ đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính đối với Syria, trong đó có lệnh cấm giao dịch với chính phủ và Ngân hàng Trung ương Syria ngay lập tức, đồng thời phong tỏa các tài sản của chính phủ Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh, các biện pháp tương tự sẽ được áp đặt đối với “một số doanh nhân nổi tiếng đang ủng hộ mạnh mẽ chế độ ở Syria”. Các biện pháp bổ sung bao gồm lệnh cấm các quan chức Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara sẽ đình chỉ cơ chế hội đồng chiến lược cấp cao với Syria.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Kanal 24, Ngoại trưởng Davutoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không muốn sử dụng biện pháp can thiệp quân sự vào nước láng giềng Syria, nhưng “đã sẵn sàng cho mọi kịch bản”. Ông nói: “Chính quyền Syria hiện nay cần tìm ra giải pháp thiết lập hòa bình với người dân của mình để loại trừ khả năng bị can thiệp quân sự”.
Cũng trong ngày 29/11, p hát biểu với báo giới tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria có thể giải quyết theo kịch bản Yemen.
Tuyên bố trên của quan chức ngoại giao Nga được đưa ra sau khi ngày 23/11, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Abdrabuh Mansur Hadi, bản thân ông Saleh và gia đình được quyền miễn truy tố.
Ngoại trưởng Nga nêu rõ, tất cả các nước hiện đang yêu cầu một hành động chống lại Syria đã thể hiện cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với Yemen, nơi mà các cuộc đàm phán về kế hoạch hòa bình do Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất kéo dài nhiều tháng.
Theo ông Lavrov, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria có thể được tháo ngòi theo hướng này vì việc nhiều nước, trong đó có các nước thành viên Liên đoàn Arập ra tối hậu thư với chính quyền Damascus sẽ không giải quyết được vấn đề . Nga kêu gọi Liên đoàn Arập phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với những gì đang diễn ra trong khu vực. Ông nhấn mạnh việc quan trọng nhất là ngừng hành động theo kiểu ra tối hậu thư và tìm cách xúc tiến đối thoại chính trị.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cũng lên tiếng phản đối đề nghị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với chính quyền Syria và cho rằng đây là hành động “không trung thực”. Theo ông, nếu lệnh cấm vận vũ khí được áp đặt đối với Syria trên thực tế chỉ có hiệu lực đối với quân đội chính phủ, trong khi nhiều nhóm chống đối chính phủ Syria, kể cả những “đội quân” nước ngoài, vẫn đang được cung cấp vũ khí đầy đủ. Vì vậy, thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí ký kết giữa hai nước trước khi cuộc khủng hoang nổ ra, Nga đã bắt đầu chuyển tên lửa cho các lực lượng của ông Assad. Theo đó, hai mặt hàng quân sự chính là tên lửa phòng không tiên tiến Pantsir-1 (SA-22) để chống lại hầu hết loại máy bay được sử dụng để thiết lập vùng cấm bay tại Syria và tên lửa siêu thanh Yakhont (SS-26) để tấn công các tàu chiến phong tỏa bờ biển của Syria với khoảng cách 300 km đã được chuyển giao cho Syria.
Ngày 1/12, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã nhóm họp và lên kế hoạch thông qua 10 biện pháp trừng phạt chống lại Syria vốn được đưa ra để tăng sức ép, buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ các biện pháp trấn áp bạo lực người biểu tình. Các biện pháp trừng phạt này sẽ có tác động trực tiếp đến một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, năng lượng cùng các cá nhân và các thể chế khác được cho là có liên quan tới các hoạt động của chính quyền ông al-Assad.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()