Diễn biến mới cuộc khủng hoảng ở Eurozone
Cùng với khó khăn kinh tế ở Hy Lạp ngày càng trầm trọng, dấu hiệu suy thoái kinh tế Đức và tình trạng nợ xấu của Tây Ban Nha đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ đồng ơ-rô sụp đổ. Nhiều nước đã lên kế hoạch đối phó tình huống xấu nếu Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới.Tây Ban Nha đã trở thành "tâm bão" mới của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Eurozone, khi nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone này lao đao vì nợ xấu và chi tiêu quá mức. Thủ tướng Tây Ban Nha M. Ra-hoi ngày 28-5 thông báo, chi phí vay mượn của nước này đã lên tới mức nguy hiểm nhất trong mười năm qua, trong khi cổ phiếu của Bankia, ngân hàng lớn thứ tư Tây Ban Nha rơi xuống mức thấp kỷ lục, giảm tới 26% giá trị. Ngân hàng này thua lỗ khoảng ba tỷ ơ-rô trong năm 2011 và đã yêu cầu Chính phủ hỗ trợ 19 tỷ ơ-rô nhằm tránh nguy cơ sụp đổ. Nếu được thông qua, đây sẽ là khoản cứu trợ...
Cùng với khó khăn kinh tế ở Hy Lạp ngày càng trầm trọng, dấu hiệu suy thoái kinh tế Đức và tình trạng nợ xấu của Tây Ban Nha đang làm gia tăng lo ngại về nguy cơ đồng ơ-rô sụp đổ. Nhiều nước đã lên kế hoạch đối phó tình huống xấu nếu Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Tây Ban Nha đã trở thành “tâm bão” mới của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Eurozone, khi nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone này lao đao vì nợ xấu và chi tiêu quá mức. Thủ tướng Tây Ban Nha M. Ra-hoi ngày 28-5 thông báo, chi phí vay mượn của nước này đã lên tới mức nguy hiểm nhất trong mười năm qua, trong khi cổ phiếu của Bankia, ngân hàng lớn thứ tư Tây Ban Nha rơi xuống mức thấp kỷ lục, giảm tới 26% giá trị. Ngân hàng này thua lỗ khoảng ba tỷ ơ-rô trong năm 2011 và đã yêu cầu Chính phủ hỗ trợ 19 tỷ ơ-rô nhằm tránh nguy cơ sụp đổ. Nếu được thông qua, đây sẽ là khoản cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. Trước đó, 16 ngân hàng nước này đã bị hãng Moody’s đánh tụt từ một đến ba bậc xếp hạng tín nhiệm, do tác động từ đánh giá kinh tế Tây Ban Nha rơi vào suy thoái, thị trường bất động sản chưa phục hồi và tình trạng thất nghiệp cao kéo dài. Hãng Standard & Poor’s cũng hạ mức xếp hạng tín dụng đối với bốn ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Thủ tướng Ra-hoi tiếp tục bác bỏ khả năng tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài, cũng như kế hoạch tái cơ cấu để cứu hệ thống ngân hàng nước này đang chìm trong khó khăn.
Trong khi đó, “bóng đen” suy thoái kinh tế đang kéo đến Đức, nền kinh tế đầu tàu Eurozone. Cơ quan thống kê liên bang của Đức cho biết, kinh tế nước này tăng trưởng 0,5% trong quý đầu năm nay. Trong đó, xuất khẩu tăng 1,7%, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,4% và đây là hai nhân tố quan trọng giúp nâng tăng trưởng kinh tế Đức. Tuy nhiên, chỉ số lòng tin kinh doanh tại Đức lại giảm, còn 106,9 điểm tháng 5 vừa qua, so mức 109,9 điểm một tháng trước đó. Đây là tháng giảm đầu tiên trong bảy tháng qua và là mức giảm mạnh nhất từ tháng 8-2011. Lý do là giới đầu tư và doanh nghiệp lo ngại về khủng hoảng nợ công kéo dài ở Eurozone ảnh hưởng đà phục hồi kinh tế Đức, khiến mức tăng trưởng trong quý I-2012 không thể tiếp tục được duy trì.
Đứng ngoài Eurozone, nhưng kinh tế Anh không tránh khỏi vòng xoáy tác động của cuộc khủng hoảng ở khu vực này, với mức tăng trưởng âm 0,3% trong quý I-2012 và triển vọng xấu hơn nhiều so dự báo. Ngân hàng trung ương Anh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2012 còn 0,8% (so mức 1,2% đưa ra trước đó) và cảnh báo lạm phát sẽ không giảm tốc nhanh như dự đoán, nguyên nhân chủ yếu là các mối đe dọa từ cuộc khủng hoảng ở Eurozone. Chính phủ Anh thông báo kế hoạch siết chặt quản lý lao động nhập cư, do lo ngại khủng hoảng kinh tế ở Eurozone ngày càng trầm trọng khiến người lao động ở các nước thành viên phải tìm kiếm việc làm tại các thị trường ngoài khu vực.
Các số liệu mới công bố cũng cho thấy chỉ số lòng tin kinh doanh của toàn bộ Eurozone giảm sút nhanh, còn 45,9 điểm trong tháng 5 so mức 46,7 điểm tháng 4, mức sụt giảm mạnh nhất trong gần ba năm qua. Giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) cảnh báo, cuộc khủng hoảng nợ đang đặt Eurozone vào thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử, trước nguy cơ một cú sốc kinh tế lớn nếu Hy Lạp phải rời khỏi liên minh. Báo chí châu Âu cũng tiết lộ, nhiều chính phủ các nước thành viên EU đang lên kế hoạch khẩn cấp, nhằm chuẩn bị cho “kịch bản” Hy Lạp rời Eurozone sau cuộc bầu cử QH ngày 17-6 tới, nếu cử tri nước này tiếp tục quay lưng với các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” nhằm đổi lấy các gói cứu trợ tài chính của EU và IMF. Anh là nước đầu tiên công khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp tình huống xấu này. Lãnh đạo các nước Đức, Pháp và I-ta-li-a cũng lên kế hoạch nhóm họp tại Rô-ma ngày 22-6 tới để thảo luận các bước tiếp theo đối phó khủng hoảng tại Eurozone.
Theo Nhandan
Ý kiến ()