Điện Biên, hai tiếng thiêng liêng!
Đã lâu, rất lâu rồi tôi mới được trở về Điện Biên đúng dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024); về nơi “chôn rau cắt rốn” có mẹ, có cha nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành.
Như bao bạn bè cùng trang lứa, thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. May mắn hơn, tuổi thơ của tôi đã được vun đắp, nuôi dưỡng qua những câu chuyện cha kể về thời khắc lịch sử hào hùng mà cha đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử!
Ngày đó, những ngày cam go trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, cha và đồng đội được giao một nhiệm vụ thật khó khăn nhưng cũng đầy vinh dự, tự hào - “Mật lệnh đồi A1”.
Với trọng trách Tổ trưởng Tổ chế tạo bộc phá, cha cùng các chú ngày làm bộc phá, đêm đào hào. Ban ngày, quân ta ra cánh đồng Mường Thanh tháo dỡ những quả bom chưa nổ do quân Pháp thả xuống để lấy thuốc. Thuốc nổ lấy về còn nguyên cả cục, phải khẽ tay dỡ từng chút, từng chút rồi cuộn với vải dù (đã được cắt thành các miếng 20x40cm) sau đó khâu lại để tạo thành từng gói thuốc nổ nặng 2kg. Cứ như vậy cha và các chú làm ngày, làm đêm ghép được khối bộc phá nặng 960kg để đưa vào đồi A1. Và cha cùng đồng đội lại hồi hộp chờ đợi. Chờ đợi…!
Cuối cùng, thời khắc lịch sử đã đến. Vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, sức nổ của khối bộc phá trên đồi A1 đã tiêu diệt một đại đội địch. Trung đoàn 174 của cha đánh chiếm toàn bộ cứ điểm đồi A1 lúc 4 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Trận đánh quyết định ấy đã tạo đà khí thế để quân ta tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam cùng nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới…
Trở về với cuộc sống đời thường, cha và mẹ lại mải miết lao động, làm việc gánh gồng nuôi 6 đứa con. Đêm từng đêm, cha ôm từng đứa vào lòng hát ru con bằng lời ca “…Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”. Cứ như thế, các con của cha lớn từng ngày, lớn theo những lời cha hát và lớn cùng niềm tin yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước mà cha truyền cảm hứng mỗi ngày. Để đến hôm nay, khi đã ngoài 50 tuổi thì tôi nhớ rất rõ ánh mắt cha sáng bừng lên niềm vui sướng, tự hào mỗi khi cha cất lời hát bài “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”.
Nhưng năm nay, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã là một cựu chiến binh tròn tuổi 94, sức yếu lắm rồi. Cha không còn khỏe nữa! Con cháu về thăm cha lúc nhớ, lúc quên! Vậy nhưng khi nói về trận chiến Điện Biên Phủ và những đồng đội đã nằm lại, cha vẫn nói rành rọt như lời căn dặn các cháu, các con: “mỗi tấc đất trên mảnh đất Điện Biên này đều là mồ hôi, công sức, là máu của đồng đội cha. Tâm nguyện cuối cùng của cha là sống có anh em đồng đội và chết có anh em đồng đội. Các con đừng đưa cha đi đâu, đừng đưa cha đi xa mảnh đất Điện Biên này nhé!"
Được về thăm cha, thăm nhà sau nhiều năm xa cách. Và thăm lại đồi A1 còn đó với dấu tích hố bộc phá có công cha làm thuốc nổ ngày xưa, người con bé bỏng của cha được tiếp thêm niềm tin, ý chí và nghị lực vượt lên khó khăn thường nhật, nguyện sống, làm việc hết sức mình góp phần nhỏ bé xây dựng đất nước, quê hương. Sống xứng đáng là con của người chiến sĩ Điện Biên và quê hương Điện Biên thiêng liêng, yêu dấu…
(Tác giả bài viết là con gái của ông Tô Quang Khoan, nguyên chiến sĩ Điện Biên tham gia đánh đồi A1 (Trung đoàn 174, Đại đoàn 316). Hiện, ông Tô Quang Khoan trú tại phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).
Ý kiến ()