Điểm tựa lịch sử, niềm kiêu hãnh dân tộc
LSO-Cách biên giới khoảng 60 km và cách thủ đô 100 km, thế đất hiểm, con người kiên trung, Chi Lăng (Lạng Sơn) luôn được lịch sử chọn làm điểm tựa, là cánh “cửa thép” phía Bắc trong trường kỳ bảo vệ Tổ quốc.
Núi Mặt quỷ |
Suốt chiều dài hơn 20 km từ Quang Lang đến Hòa Lạc, một bên là dãy núi đá Kai Kinh sừng sững, một bên là dãy núi đất Bảo Đài đồ sộ; dòng sông Thương uốn lượn xung quanh những ngọn núi đá thấp giữa những thung lũng lầy lội, tạo nên một hình thế tự nhiên như lũy, như thành. Trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, khi qua ải Chi Lăng, Phạm Sư Mạnh (Tiến sĩ đời Trần) đã thốt lên “Chi Lăng ải hiểm tựa lên trời…”. Sự đặc biệt của thiên nhiên đã hun đúc lên tính cách của con người: thật thà, chất phác, giản dị song gai góc, kiên cường và bất khuất. Hình thế tự nhiên, tính cách con người Chi Lăng được các triều đại nhìn nhận và hiển nhiên nó gánh vác trọng trách lớn bảo vệ khu vực đồng bằng và thủ đô trước những cuộc tiến công xâm lược từ phương bắc.
Ngay sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã quan tâm đến vùng đất phên dậu này, coi đó là phòng tuyến chiến lược bảo vệ Thăng Long từ xa ở phía Bắc. Nhà vua bèn gả công chúa cho Tù trưởng Động Giáp ở Quang Lang là Giáp Thừa Quý để thu phục nhân tâm. Đổi sang họ Thân (Thân Thừa Quý), 3 đời (ông, con, cháu) được làm Phò mã và nối tiếp nhau giữ chức Châu mục, dòng họ Thân đã cùng quan quân nhà Lý coi sóc biên ải, giữ yên bờ cõi Đại Việt. Từ cuộc kháng chiến chống quân Tống lần thứ nhất (năm 981), lần thứ 2 (năm 1076), đến các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thời Trần, các triều đại đều chọn Chi Lăng để thực hiện những trận đánh mang tính quyết định của toàn cuộc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1407-1427), Chi Lăng đã làm rạng danh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như một trang hào hùng nhất về cả nghệ thuật quân sự, quy mô, tầm vóc và hiệu quả tác chiến; là trận mang ý nghĩa then chốt tiêu diệt trên 1 vạn tinh binh do tướng Liễu Thăng chỉ huy, đập tan cứu viện của nhà Minh. Trận đánh này là kết quả của việc vận dụng “ thế” đất Chi Lăng để “điều binh thủ hiểm”, nghi binh, nhử địch… làm nên một đỉnh cao về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết: “… Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại/Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam kéo sang/Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong/Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực…”. Từ biên giới về Hà Nội hành quân chỉ mất 5 ngày, nhưng địch đã bị giam chân ở Lạng Sơn, sau gần 1 tháng mới tới Chi Lăng và đã đại bại ở đây: “… Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế; Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu…”. Với chiến thắng này, cùng với Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng nổi lên như một chiến công vĩ đại trong lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc.
Phát huy truyền thống Chi Lăng, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tổ quốc, Chi Lăng đã lập nhiều chiến công oanh liệt, xứng tầm với lịch sử vùng đất Lạng Sơn. Hình sông thế núi tạo nên ải Chi Lăng, nhưng nhìn nhận và vận dụng nó để chiến đấu và chiến thắng lại là vấn đề con người. Trương Hán Siêu, danh nhân văn hóa đời Trần đã nói: “Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”. Trí tuệ quân sự siêu việt, đức sáng của các minh quân trong thu phục lòng người đã giúp các triều đại vua Việt Nam biến Chi Lăng thành cánh cửa thép nơi biên cương Tổ quốc. Nói về ải Chi Lăng, Slôvacxoc – nhà dân tộc học Cộng hòa Séc đã đánh giá: “Có lẽ đây là chiến lũy hình thang độc nhất trên thế giới, nó thể hiện đầu óc thông minh và tài trí quân sự tuyệt vời của một dân tộc luôn phải chống trả với một đội quân xâm lược mạnh hơn mình gấp trăm lần trong quá trình lâu dài dựng nước và giữ nước; thể hiện một tầm nhìn chiến lược nổi tiếng “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”.
Năm tháng qua đi, ải Chi Lăng, núi Mặt quỷ còn đó; các thế hệ con người Chi Lăng đã và đang nối tiếp nhau xây dựng quê hương giàu mạnh.
MINH HỒNG
Ý kiến ()