“Điểm tựa” của người lao động trong dịch bệnh
Số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng tháng 7/2021, BHXH các địa phương đã phối hợp ngành lao động – thương binh và xã hội giải quyết cho hơn 80 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền hơn 1.484 tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX,KD) của doanh nghiệp và việc làm của người lao động, chính sách bảo hiểm (BH) thất nghiệp như một “điểm tựa” hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch.
“Điểm tựa” của những người thất nghiệp
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 13/8/2021, báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở SX, KD phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã làm số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở SX, KD không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh, buộc phải cắt giảm lao động: Số người thất nghiệp trong quý II năm 2021 là 1,2 triệu người (chiếm 2,62% lực lượng lao động), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so cùng kỳ năm 2019. Tháng 7 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.
Mất việc làm từ đầu năm 2021, cuộc sống gia đình chị Lê Thị Hòa, công nhân Công ty TNHH may mặc Juke Vina (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã hơn sáu tháng nay phải nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp. Công ty ngừng hoạt động do không có đơn hàng, gần 100 công nhân lâm vào cảnh mất việc làm, không tìm được việc làm mới, chị Hòa đã đăng ký nhận trợ cấp BH thất nghiệp. Dịch bệnh cũng khiến chồng chị Hòa mất việc làm đã ba tháng nay. Nguồn sống của cả gia đình trông chờ vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp 3,5 triệu đồng/tháng cho cả vợ chồng và hai đứa con nhỏ. “Hơn mười năm đi làm đóng BHXH, nên khoản trợ cấp BH thất nghiệp tôi nhận được sẽ giúp gia đình “cầm cự” trong khoảng một năm, chứ gia đình lúc này không biết trông cậy vào đâu” – chị Hòa chia sẻ. Có thể thấy, khoản tiền trợ cấp BH thất nghiệp đang phần nào giúp hàng nghìn lao động mất việc làm vượt qua khó khăn trong dịch bệnh…
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh Lê Thị Kiều Phượng cho biết: Trong bảy tháng đầu năm, Trung tâm đã tiếp nhận 80.614 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BH thất nghiệp. Đa phần người lao động được duyệt hồ sơ hỗ trợ BH thất nghiệp với khoản từ 3-6 triệu đồng. Nhiều người lao động có thời gian làm việc và tham gia BHXH, BH thất nghiệp lâu năm nên tối đa họ có thể được nhận hỗ trợ với thời gian rất dài lên đến 12 tháng; còn đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 3 đến 4 tháng thì rất nhiều.
Đáng nói, là nhiều người lao động hằng tháng vẫn bị trừ BHXH, BH thất nghiệp, nhưng do doanh nghiệp nợ đọng, chây ì không đóng, nên giờ khi mất việc khiến người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp BH thất nghiệp, phải hưởng hỗ trợ một lần với mức 3,71 triệu đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Theo thống kê, đến ngày 19/8, BHXH thành phố Hồ Chí Minh và BHXH các quận, huyện đã phối hợp với cơ quan lao động – thương binh và xã hội nhanh chóng xác nhận cho gần 14 nghìn đơn vị, doanh nghiệp với 177.609 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng BH thất nghiệp để họ được nhận hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng đến 3,71 triệu đồng. Giúp người lao động kịp thời có khoản hỗ trợ tương đương một phần khoản trợ cấp BH thất nghiệp, để họ tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Đối với khoản tiền hưởng trợ cấp BH thất nghiệp của người lao động, ngoài việc thực hiện rà soát, kiểm tra để kịp thời chuyển tiền vào tài khoản cho họ, cơ quan BHXH thành phố và BHXH quận, huyện cũng nhanh chóng in và bàn giao thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chuyển đến người lao động, để họ có thể đi khám chữa bệnh trong thời gian đang hưởng BH thất nghiệp” – Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết thêm.
Tạo thuận lợi về thủ tục cho người lao động
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh Đinh Văn Duyệt cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.758 người đăng ký làm thủ tục BH thất nghiệp, chủ yếu là NLĐ trong lĩnh vực điện, điện tử, chiếm hơn 50%. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, tránh tập trung đông người, Trung tâm đã triển khai linh hoạt trong giải quyết chính sách BH thất nghiệp nhằm giúp người dân hạn chế việc đi lại, rút gọn các thủ tục hành chính. Trong đó tập trung vào các giải pháp như: thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, Zalo, Facebook, điện thoại… Việc tiếp nhận hồ sơ cũng thực hiện qua hệ thống Bưu điện hoặc gửi hình ảnh qua Zalo là chủ yếu. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ tìm việc mới cho người lao động.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho rằng, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chính sách BH thất nghiệp đã thật sự trở thành điểm tựa cho người thất nghiệp khi bị mất việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của doanh nghiệp, chính sách BH thất nghiệp đã phát huy vai trò bảo đảm an sinh xã hội trong việc hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Không chỉ được trợ cấp về mặt kinh tế, người lao động còn được học nghề và giới thiệu việc làm. Từ đó có cơ hội nâng cao tay nghề, thay đổi tìm kiếm ngành nghề phù hợp, tái hòa nhập thị trường lao động mới với cơ hội việc làm rộng mở hơn.
Ý kiến ()