tle=”Điểm tựa của ngư dân”> yerText”> Xem thêm:2 ảnh Đội tàu của Nghiệp đoàn KTHS Tam Thanh (Phú Quý, Bình Thuận) và thành quả của đội sau một chuyến đi biển.
Hỗ trợ nhau trong quá trình mưu sinh trên biển là nhu cầu cần thiết, đã tồn tại nhiều đời trong cộng đồng ngư dân vùng biển.
Đối với ngư dân Bình Thuận, Ninh Thuận, từ các “bổn đạo” đến các tổ đoàn kết, rồi các nghiệp đoàn khai thác hải sản là những điểm tựa trong quá trình tự nguyện hợp tác để làm ăn và góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Từ tổ đoàn kết khai thác hải sản…
Từ nhiều đời nay, một bộ phận lớn cư dân ven biển Bình Thuận, Ninh Thuận dựa vào nguồn lợi từ biển làm sinh kế. Để tồn tại và phát triển, bà con ngư dân đã liên kết với nhau thành từng nhóm khi hành nghề trên biển. Những nhóm liên kết như thế, ngư dân ở Bình Thuận quen gọi là “bổn đạo”.
Theo nhiều lão ngư, “bổn đạo” là một hình thức liên kết tự nguyện của những thuyền cùng nghề khai thác, đánh bắt cùng vùng biển, hợp tính nết nhau. Khi phát hiện luồng cá, các thuyền cùng “bổn đạo” sẽ thông tin cho nhau để cùng đánh bắt, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai, sự cố. Tuy nhiên, do đây là hình thức liên kết tự phát của ngư dân, nên chính quyền một số địa phương và ngành chức năng khó nắm bắt được hoạt động của các “bổn đạo”, nhất là việc bảo đảm thông tin hai chiều giữa tàu trên biển và đất liền khi thời tiết xấu. Thậm chí, vì lợi ích riêng của “bổn đạo”, nhiều thuyền trưởng không cung cấp thông tin về ngư trường, không đăng ký tần số thật của máy thông tin liên lạc.
Cuối tháng 8-2008, tỉnh Bình Thuận chủ trương thành lập tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển (gọi tắt là tổ đoàn kết) nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ của bà con ngư dân trong sản xuất và góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của các tổ đoàn kết. Theo đó, lấy bốn tiêu chí cơ bản là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng dòng họ và thân thích nhau làm cơ sở để thành lập, xây dựng các tổ đoàn kết. Mỗi tổ có ít nhất là ba tàu. Sau hai năm triển khai, Bình Thuận đã có 623 tổ, với 3.929 tàu thuyền và gần 25 nghìn lao động, chiếm gần 70% số tàu thuyền có công suất từ 20 CV trở lên của toàn tỉnh.
Tại Ninh Thuận, từ năm 1998, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã hướng dẫn một số địa phương hình thành được hai câu lạc bộ theo nghề khai thác. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp chính quyền vận động thành lập được 10 tổ cộng đồng ven bờ kết hợp với việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2007 đến nay, chính quyền các xã ven biển Ninh Thuận đã thành lập 50 tổ đoàn kết khai thác hải sản. Các tàu thuyền trong tổ hỗ trợ, ứng cứu nhau khi xảy ra các sự cố trên biển. Ông Lê An, Tổ đoàn kết số 3 ở phường Mỹ Đông, TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, các thành viên cùng tổ xem nhau như người thân trong nhà, góp sức rất nhiều trong hoạt động của tổ, nhờ vậy hiệu quả đánh bắt cũng tốt hơn trước. Tổ có đội ngũ thợ kỹ thuật kịp thời hỗ trợ các tàu sửa chữa những hỏng hóc nhỏ ngay trên biển, giảm được nhiều chi phí”. Ông Nguyễn Ngó, Tổ đoàn kết 22 ở xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) bộc bạch: “Giờ đây, các thành viên trong tổ nghề không thấy mình đơn độc giữa biển khơi vì luôn có sự hỗ trợ nhau giữa các tàu thành viên trong suốt chuyến đi biển”.
Không chỉ vậy, các tổ đoàn kết còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển của ta. Đại tá Nguyễn Văn Thoa, Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, cho biết thêm: Nhiều tổ đoàn kết đã chủ động nắm và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng đấu tranh xử lý các trường hợp tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta… … Đến nghiệp đoàn nghề cá
Ngày 1-11-2011, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Thuận ra mắt Nghiệp đoàn khai thác hải sản (KTHS) Bình Hưng 3. Đây là một trong số ít nghiệp đoàn nghề cá được thành lập thí điểm đầu tiên trong cả nước theo Đề án của Công đoàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT) Việt Nam. Trước đó, vào ngày 5-10-2011, Công đoàn ngành NN và PTNT Bình Thuận đã có quyết định thành lập Nghiệp đoàn này, kết nạp 121 ngư dân của năm tàu cá thuộc Tổ đoàn kết số 3, phường Bình Hưng (TP Phan Thiết, Bình Thuận) vào nghiệp đoàn. Theo anh Lê Thái Vũ, Ủy viên BCH Nghiệp đoàn KTHS Bình Hưng 3, cả năm tàu của nghiệp đoàn đều hành nghề vây rút chì, có công suất từ 215 đến 350 CV. Trong quá trình chuẩn bị hình thành nghiệp đoàn, các chủ tàu và nhiều đoàn viên của nghiệp đoàn đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ đầy trách nhiệm, của nhiều cấp, nhiều ngành trong và ngoài tỉnh. Nhiều tàu đã mua sắm thêm trang thiết bị, nâng cấp tàu bảo đảm bám biển dài ngày. Nhiều đoàn viên nghiệp đoàn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giúp đỡ con em học hành.
Sau gần một năm thành lập, Nghiệp đoàn KTHS Bình Hưng 3 khai thác được hơn 800 tấn hải sản, thu hơn năm tỷ đồng, nhiều hơn 15% so với năm trước đó.
Thu nhập của các đoàn viên đạt trung bình 2 – 3,5 triệu đồng/ người/tháng.
Sau Nghiệp đoàn Bình Hưng 3, Bình Thuận đã triển khai thành lập thí điểm thêm ba nghiệp đoàn khai thác hải sản ở các trung tâm nghề cá lớn của tỉnh, gồm: Phước Hội (thị xã La Gi), Tam Thanh (huyện đảo Phú Quý) và Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). Như vậy, toàn tỉnh đã thành lập được bốn nghiệp đoàn KTHS, với 52 tàu thuyền và 599 đoàn viên.
Cần những điểm tựa bền vững
Từ các “bổn đạo” đến các tổ đoàn kết, rồi các nghiệp đoàn nghề cá là sự nối tiếp tự nhiên trong quá trình tự nguyện hợp tác của bà con ngư dân vùng Nam Trung Bộ khi hành nghề trên biển. Với mỗi mô hình, tính pháp lý, sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng tuy có khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hiệu quả kinh tế, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động đi biển. Có thể khẳng định: Tổ đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá là những điểm tựa không chỉ của những chủ tàu cá có vốn, kỹ thuật, đầu tư làm ăn lớn, mà còn là điểm tựa vững chắc của đông đảo bà con lao động biển.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn không ít tổ đoàn kết chỉ tồn tại hình thức, liên kết lỏng lẻo, không đạt được mục đích như mong muốn. Theo nhìn nhận của UBND tỉnh Bình Thuận, công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động ngư dân về chủ trương của Nhà nước cũng như mục đích, ý nghĩa… làm chưa kỹ, chưa tốt nên một bộ phận ngư dân còn e dè, băn khoăn khi tham gia các tổ đoàn kết. Mặt khác, lực lượng lao động trên từng tàu cũng thường xuyên biến động…
Là một trong những chủ tàu đầu tiên tích cực tham gia xây dựng Tổ đoàn kết, ông Trần Anh Khôi ở khu phố 8, phường Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận), khẳng định: Việc thành lập các tổ đoàn kết là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng chung của bà con ngư dân. Tuy nhiên, đã thành lập tổ phải hoạt động đúng thực chất, chứ không nên vào tổ cho có lệ. Từ thực tế ấy, Bình Thuận cần xem xét kỹ quy mô của tổ đoàn kết hiện nay để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Toàn bộ các tàu cá tham gia các nghiệp đoàn KTHS hiện nay ở Bình Thuận đều thuộc sở hữu cá nhân. Thông thường, mỗi chuyến biển, sau khi trừ hết chi phí chung, lợi nhuận còn lại sẽ được chia 5/5 (hoặc 4/6) giữa chủ tàu và người lao động. Cũng là đoàn viên nghiệp đoàn, nhưng trên một đơn vị tàu, có mối quan hệ giữa chủ và thợ. Do vậy, cần có quy định cụ thể trong việc đoàn viên nghiệp đoàn tham gia xây dựng và giám sát việc chia lợi nhuận theo thỏa thuận giữa chủ tàu với ngư dân, bảo đảm đúng pháp luật và có lợi cho người lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()