“Điểm tựa” của đồng bào vùng biên Bắc Xa
- Với 79 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông Kỳ Dùng Phú, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, người có uy tín của thôn Bản Mạ (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập) vẫn luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế đồi rừng, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới.
Một ngày cuối tháng 8/2024, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Xa đến thăm gia đình ông Kỳ Dùng Phú (sinh năm 1945), nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Bản Mạ, là người tiên phong trồng rừng và vận động Nhân dân phát triển rừng từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng biên Bắc Xa, ông Kỳ Dùng Phú, người dân tộc Nùng, ở thôn Bản Mạ thông thạo từng ngọn đồi, khe suối, cột mốc và hiểu rõ cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Ông Phú chia sẻ: Bà con trong xã chủ yếu là người dân tộc Nùng, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nếu chỉ trồng lúa, trồng ngô, khoai thì cuộc sống chỉ quanh quẩn với cái nghèo. Năm 1974, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Rừng là vàng”, tôi cùng cán bộ xã đi tuyên truyền, kêu gọi mọi người trồng rừng. Khi có những dự án hỗ trợ trồng rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc (theo Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng), tôi đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân triển khai nhận đất, trồng rừng.
Trong quá trình triển khai các chương trình dự án, để đảm bảo khách quan, công bằng, với hiểu biết về địa hình, thổ nhưỡng, ông Phú đã đồng hành cùng cán bộ xã khảo sát, vẽ bản đồ chia đất của xã ra làm nhiều lô, cho các hộ dân bốc thăm nhận đất theo thôn, trúng lô nào nhận lô đó để trồng và quản lý rừng.
Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng, đời sống Nhân dân trong xã từng bước được cải thiện, bớt khổ bớt nghèo. Ông Tô Đức Lượng, thôn Bản Quầy, xã Bắc Xa kể: Năm 1998, nghe nói đến dự án trồng rừng, tôi không mấy mặn mà, nhưng khi thấy gia đình ông Phú trước đó đã nhận trồng, cây phát triển tốt thì tôi và các hộ dân trong thôn cũng tin tưởng, mạnh dạn đăng ký tham gia bốc thăm, nhận đất trồng rừng. Khi tham gia dự án, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ cây giống, tiền công trồng và chăm sóc. Từ khi rừng thông cho khai thác nhựa (từ 2008), gia đình tôi dần ổn định cuộc sống, với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng với ông Lượng, các gia đình khác trong thôn Bản Quầy cũng từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống. Đến nay, thôn Bản Quầy không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân của các hộ dân có thời điểm lên đến 400 triệu đồng/năm. Nhận thức được lợi ích kinh tế từ phát triển rừng thông, người dân ở các thôn khác cũng tích cực phát triển kinh tế rừng, vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ phát triển kinh tế, ông Phú còn gương mẫu tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng bảo vệ đường biên, mốc giới. Bà Hà Thị Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Trong suốt 17 năm làm lãnh đạo UBND xã, 25 năm làm bí thư chi bộ thôn, ở mọi cương vị công tác, ông Phú luôn nhiệt huyết, cống hiến hết mình với mong muốn giúp bà con biên giới Bắc Xa có cuộc sống bình yên, đẩy lùi đói nghèo. Giờ đã ở tuổi gần 80, ông vẫn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới và là một kho kinh nghiệm về trồng, quản lý rừng đầu nguồn để bà con có thể tìm đến học hỏi khi cần.
Ý kiến ()