Điểm tựa cho người khuyết tật và trẻ mồ côi
LSO-Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay có trên 12.000 người khuyết tật và trẻ mồ côi (NKT&TMC). Trong đó, NKT có 8.902 người, chiếm gần 1,2% dân số toàn tỉnh. Đa số những NKT&TMC đều là những đối tượng thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hơn ai hết, họ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia từ cộng đồng để hòa nhập với cuộc sống.
Hội Bảo trợ Người khuyết tật – Trẻ mồ côi tỉnh trao tặng xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc |
Gia đình em Hứa Thị Linh, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc thuộc diện hộ nghèo, 3 chị em Linh mồ côi cha mẹ, lại đang trong độ tuổi đi học, do vậy cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Biết được hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã hỗ trợ gạo hằng tháng cho gia đình em trong vòng một năm. Em Linh cho biết: Từ khi được Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh và nhà tài trợ hỗ trợ cho gia đình em, đời sống gia đình bớt khó khăn hơn. Chị em nhà em có điều kiện học tập và đời sống ổn định hơn.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết: Hướng về NKT&TMC, thời gian qua, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền Luật NKT, trách nhiệm của xã hội đối với NKT… giúp các cá nhân, tổ chức nhận thức rõ ý nghĩa, trách nhiệm đối với NKT. Bên cạnh đó, hội chú trọng tới công tác tuyên truyền, nêu các gương điển hình người tốt, việc tốt, động viên họ cả vật chất lẫn tinh thần. Qua đó, vận động cộng đồng chăm lo và tạo điều kiện tốt nhất về mọi mặt cho NKT, đặc biệt là công tác tạo việc làm. Nhờ vậy, NKT có thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đáng kể cho chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, đồng thời giảm một phần ngân sách Nhà nước chăm lo cuộc sống cho NKT.
Để giúp đỡ được nhiều đối tượng NKT&TMC, thời gian qua, hội đã không ngừng vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quyên góp, giúp đỡ rất nhiều đối tượng NKT &TMC. Đơn cử như trong năm 2016, hội đã gắn 11 địa chỉ NKT nặng và TMC được các nhà hảo tâm trợ giúp, hỗ trợ gạo hằng năm. Cùng với đó, hội còn hỗ trợ 16 con lợn giống cho 2 trung tâm nuôi TMC trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị gần 21 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ đó, các trung tâm đã chăm sóc, phát triển và duy trì đàn lợn, góp phần cải thiện đời sống cho các đối tượng của 2 trung tâm.
Song song với đó, trong năm 2016, hội đã đến thăm, tặng quà 28 lượt nạn nhân chất độc da cam, trong đó nhận trợ dưỡng thường xuyên cho 3 nạn nhân từ tháng 6/2016 đến 6/2017. Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn 2 lớp kỹ năng sống cho NKT ở thành phố Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, với 60 NKT tham gia. Qua lớp tập huấn đã giúp cho NKT nâng cao kỹ năng sống và tự tin hơn trong giao tiếp hằng ngày.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để hoạt động trợ giúp NKT&TMC ngày càng thiết thực và ý nghĩa hơn. Cùng với đó, hội sẽ triển khai các mô hình, dự án thiết thực để hỗ trợ, giúp đỡ NKT&TMC trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong đó, thời gian tới sẽ thành lập dự án “Bánh ngải” tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn; triển khai dự án “Vùng nguyên liệu trồng cây lấy sợi”… và các dự án, mô hình tạo việc làm, tăng thu nhập cho NKT hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng NKT nặng tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Có thể thấy rằng, hoạt động của Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh luôn gắn liền với thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NKT&TMC. Từ đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Tạo chỗ dựa vững chắc cho NKT&TMC, giúp đỡ họ có cuộc sống ổn định hơn.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()