Điểm tựa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Lộc
(LSO) – Triển khai, thực hiện Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 – 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cao Lộc đã phối hợp với các xã, thị trấn và các tổ chức hội tuyên truyền người dân đưa vốn vào sản xuất. Qua đó, giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Tô Văn Phong, thôn Nà Mon, xã Thạch Đạn là một trong những hộ đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định 2085 để mở rộng mô hình kinh tế. Anh Phong cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được vay 50 triệu từ chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư trồng rừng. Nhờ chương trình vốn lãi suất thấp nên tôi đã yên tâm đầu tư sản xuất. Cùng với nguồn vốn được vay của chương trình hộ nghèo, gia đình tôi đã trồng được 3.000 cây thông, 4.000 cây bạch đàn. Đây là động lực để gia đình tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.”
Cán bộ Hội Nông dân xã Thạch Đạn kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay
Cùng với gia đình anh Phong, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của chương trình mà nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: trồng rừng thông, bạch đàn; chăn nuôi gà, trâu, bò; trồng cây ăn quả như: mận, lê, hồng…
Huyện Cao Lộc có 21 xã và 2 thị trấn, với 5 dân tộc chính cùng sinh sống. Trong đó, có 14 xã vùng 3; 4 xã vùng 2 có thôn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, ngay từ khi có quyết định, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã chủ động tổ chức họp triển khai kế hoạch, phân công các thành viên tuyên truyền, thực hiện chính sách vốn trên địa bàn.
Ông Lý Thế Công, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Từ trước khi giao vốn, Phòng giao dịch tổ chức tuyên truyền cho cán bộ tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn về chương trình. Đồng thời, phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền trong các buổi giao dịch. Cùng với tuyên truyền, cán bộ tín dụng chủ động phối hợp với lãnh đạo xã, thị trấn nắm danh sách hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn và tình hình phát triển sản xuất của các hộ. Từ đó định hướng, giúp đỡ các hộ vay đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phù hợp và hiệu quả.
Bà Liễu Thị Chuyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Long chia sẻ: “Sau khi được NHCSXH huyện hướng dẫn, tổ chức hội đã tập trung tuyên truyền đến tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ dân về những điểm mới của chương trình cho vay theo Quyết định 2085 so với các chương trình trước đây. Qua đó, giúp các hộ dân hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chính sách vốn, nắm rõ mức vay mới, lãi suất, thời hạn… để thực hiện nguồn vốn có hiệu quả”.
Năm 2019, chương trình được giao vốn, nhờ chủ động phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn và thẩm định nhanh đối với các hồ sơ vay vốn, công tác giải ngân được thực hiện thuận lợi. Hiện nay, phòng giao dịch đã giải ngân đạt kế hoạch giao, dư nợ trên địa bàn huyện đạt gần 4 tỷ đồng với 76 hộ vay, là huyện có dư nợ chương trình lớn nhất toàn tỉnh.
Từ những hiệu quả như vậy, cho thấy chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo Quyết định 2085 thực sự là điểm tựa cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ có nhu cầu vay vốn chương trình nhưng số vốn được giao còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu người dân.
“Thời gian tới, Phòng giao dịch huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã, các tổ chức hội, đoàn thể rà soát đối tượng, lập danh sách số hộ có nhu cầu vay vốn, tham mưu cho NHCSXH tỉnh về nhu cầu sử dụng vốn. Qua đó tham mưu cấp bổ sung nguồn vốn kịp thời trong năm 2020, giúp các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống…” – ông Lý Thế Công, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết thêm.
Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 thay thế Quyết định 54/2012/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách cho vay vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. So với quyết định trước, Quyết định 2085 có nhiều điểm mới. Theo đó, đối tượng được thụ hưởng chính sách mở rộng thêm với hộ người Kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay tối đa được nâng lên bằng mức vay tối đa chương trình cho vay hộ nghèo là 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn vay tối đa của chương trình là 10 năm, lãi suất hiện nay là 3,3%/năm. |
KIM HUYÊN
Ý kiến ()