Điểm tra cứu tại xã, phường: Đưa thông tin về bảo hiểm, việc làm đến gần người dân
– Thời gian qua, để tạo thuận lợi cho người lao động (NLĐ) tìm kiếm, tra cứu thông tin về việc làm, bảo hiểm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, việc ký kết quy chế phối hợp giữa trung tâm với các xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn để đặt các điểm tra cứu thông tin ngay tại các xã, phường là một giải pháp tiếp cận gần và nhanh hơn tới NLĐ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm Trung tâm DVVL giải quyết cho khoảng trên 5.000 NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp và năm sau thường tăng hơn năm trước. Riêng 10 tháng đầu năm 2022, trung tâm tiếp nhận và giải quyết trợ cấp cho gần 4.000 người. Tại thành phố Lạng Sơn, trung bình mỗi năm giải quyết trợ cấp cho khoảng 400 – 500 NLĐ thất nghiệp, 10 tháng đầu năm là trên 300 người… Như vậy, có thể thấy rằng giải quyết việc làm và thúc đẩy tạo việc làm bền vững cho NLĐ, có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của gia đình sẽ góp phần ổn định nền kinh tế – xã hội của địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, Trung tâm DVVL tiếp tục có những giải pháp nhằm tiếp cận, đưa các chính sách về việc làm, lao động đến gần hơn với Nhân dân, NLĐ, trong đó có việc ký kết quy chế phối hợp giữa trung tâm với các xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn để đặt các điểm tra cứu thông tin ngay tại các xã, phường từ tháng 9/2022.
NLĐ tìm hiểu thông tin về tuyển dụng việc làm tại Điểm tra cứu thông tin về việc làm, bảo hiểm tại UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Ông Đoàn Đức Thanh, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành phố Lạng Sơn cho biết: Với chức năng của phòng, chúng tôi phân công cán bộ theo dõi quản lý chung về công tác phối hợp thực hiện điểm khai thác, tra cứu thông tin tại các xã, phường. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm DVVL tổ chức các hoạt động về công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường trong việc bố trí địa điểm lắp đặt; quản lý và khai thác bảng tra cứu thông tin và đăng ký việc làm tại trụ sở UBND; tuyên truyền và hướng dẫn khai thác thông tin tại điểm tra cứu cho người dân.
Từ khi đặt bảng thông tin tra cứu, Nhân dân và NLĐ đến trụ sở UBND các phường, xã làm thủ tục hành chính đều được tiếp cận các thông tin về việc làm, chính sách lao động, các cơ hội tuyển dụng của doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh, các cơ hội xuất khẩu lao động. Tại các xã, phường, công chức văn hoá – xã hội hướng dẫn cho Nhân dân, NLĐ biết về các thông tin trên bảng tra cứu để dễ nắm bắt, đăng ký và để lại thông tin, nhu cầu tìm kiếm công việc cụ thể, phù hợp với mong muốn cá nhân. Qua gần 2 tháng đưa điểm tra cứu vào hoạt động tại các xã, phường đã cho thấy kết quả tích cực với gần 2.000 lượt người dân và NLĐ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tìm hiểu và tra cứu thông tin; hơn 300 người đăng ký thông tin tìm việc làm; qua đó, góp phần nâng số người được tư vấn và đăng ký thông tin việc làm tăng gần 2.500 lượt người so với thời điểm đầu tháng 9, trước khi đưa điểm tra cứu này vào hoạt động.
Ông Lương Văn Minh, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, khi cần tìm hiểu thông tin thì chúng tôi phải ra Trung tâm DVVL của tỉnh nhưng nay tại trụ sở xã đã có điểm tra cứu thông tin như này rất thuận lợi cho NLĐ. Đầu tháng 11/2022, con gái tôi đã ra xã đăng ký thông tin tìm việc làm, các bảng biểu niêm yết rất rõ ràng, thuận lợi cho con tôi làm hồ sơ đăng ký.
Bà Hoàng Thị Bích Loan, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Đây là mô hình mới nhằm đưa các chính sách và thông tin về lao động, việc làm, học nghề đến gần hơn với Nhân dân và NLĐ. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính tại các xã, phường nắm thêm được thông tin về các vị trí việc làm trống và các thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Từ thành công của mô hình thí điểm thực hiện ở thành phố, tới đây chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình này đến các xã, thị trấn khác trong tỉnh.
Có thể thấy rằng, bên cạnh việc tư vấn tuyên truyền trực tuyến, tư vấn lưu động tới các thôn, bản thì việc mở điểm tra cứu thông tin tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là một cách làm, giải pháp thiết thực, qua đó góp phần vào kết quả tư vấn học nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung.
Ý kiến ()