Điểm sáng về đầu tư công nghệ cao
Phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) tại TP Hồ Chí Minh đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI, TP Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư phát triển khu công nghệ cao (KCNC), tạo cú huých để các ngành công nghiệp của thành phố phát triển đồng bộ, theo hướng hiện đại.
“Trái ngọt đầu mùa”
Cầm trên tay ống thuốc được sản xuất từ công nghệ nano, bác sĩ Nguyễn Phương Thủy, Trưởng phòng Y khoa Công ty Công nghệ sinh học dược Nanogen (KCNC, quận 9, TP Hồ Chí Minh) khoe rằng, tuy be bé, xinh xinh thế này, nhưng ống thuốc có khả năng cứu sống người bệnh viêm gan B, ung thư. Trước đây, các loại thuốc này phải nhập khẩu 100%, với giá 50 đến 70 triệu đồng/lọ. Nay nhờ chuyển giao công nghệ, giá thuốc sản xuất tại KCNC chỉ bằng một phần ba giá nhập khẩu. Sản phẩm thuốc đặc trị của công ty đã được thị trường chấp nhận và mang lại doanh thu hơn 300 tỷ đồng/năm. Hiện nay nhà máy hoạt động hết công suất để phục vụ trong nước, xuất khẩu sang Nga và nhiều nước khác. Công ty đang xây dựng thêm nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, Mỹ và Mi-an-ma, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm thuốc đặc trị mới.
Với doanh thu hơn một tỷ đồng/tháng, ở lĩnh vực điện tử đầy tiềm năng, sản phẩm cân bằng máy quay phim, chụp ảnh của Công ty Gremsy, do các kỹ sư trẻ Việt Nam chế tạo, đã được rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, quay phim tìm đến đặt hàng. Với thiết bị này, các tay máy không còn lo hình ảnh mất nét, do mất cân bằng. “Hiện 26 kỹ sư đang tập trung hoàn thiện thiết bị theo hợp đồng, công ty chuẩn bị mở rộng nhà máy, tuyển kỹ sư để phát triển sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm công nghệ mới” – kỹ sư Tống Vũ Thân Dân nói. Riêng các thiết bị nghe, trợ thính nổi tiếng thế giới, do Tập đoàn Sonion (Đan Mạch) sản xuất tại KCNC đã vươn ra thị trường toàn cầu. Theo ông Lu-kaz Xéc-gây (Lukasz Siergiej), Giám đốc chất lượng Tập đoàn Sonion: nhiều thiết bị y khoa tinh vi hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam phát triển và Sonion quyết định chuyển giao công nghệ nhiều hơn nữa cho phía Việt Nam.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang cho biết, chỉ trong 13 năm, vừa giải tỏa đền bù, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay KCNC thu hút được 82 dự án đầu tư (có 46 dự án đang hoạt động), với tổng số vốn 4,38 tỷ USD. Sản lượng công nghiệp công nghệ cao tại KCNC tăng nhanh và bền vững. Đến nay, các sản phẩm của KCNC chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của toàn thành phố. Nếu năm 2010, giá trị gia tăng sản phẩm KCNC chỉ tương tự như ở các KCN, KCX (khoảng dưới 15%), thì đến năm 2015 trung bình đạt hơn 23%. Bình quân giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 97,3% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của thành phố.
Lũy kế đến nay, KCNC có giá trị xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD. Bình quân một héc-ta đất của KCNC làm ra 29,76 triệu USD giá trị xuất khẩu và cứ một USD đầu tư cho hạ tầng, thì thu hút được 14 USD vốn đầu tư vào KCNC. Năng suất một lao động tại KCNC tạo ra giá trị xuất khẩu bình quân (năm 2014) đạt gần 145.000 USD, gấp hơn bảy lần so với một lao động tại các KCX và KCN. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất công nghiệp của KCNC khoảng 80%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng 12%/năm của các KCN, KCX. Những kỹ sư giỏi đã có mức thu nhập 800 đến 900 triệu đồng/năm. Đây có thể coi là những “trái ngọt đầu mùa” từ KCNC. Thành phố Hồ Chí Minh xác định, KCNC sẽ là “nhạc trưởng”, tạo cú huých để các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao của thành phố phát triển bền vững và trở thành điểm sáng về đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 10 xác định: “Xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông – Nam Á”. Điều này cho thấy, phát triển KCNC của TP Hồ Chí Minh là đúng hướng. Đặc biệt, việc thu hút thành công hai nhà đầu tư lớn của thế giới là Intel và Samsung vào đầu tư, với số vốn hàng tỷ USD đã tác động lan tỏa mạnh, kéo theo nhiều nhà đầu tư vào KCNC. Hoạt động của các công ty đa quốc gia này góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, khu nông nghiệp công nghệ cao của thành phố có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, mối liên kết, phối hợp giữa KCNC, các KCN, KCX của TP Hồ Chí Minh (Hepza) với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh… ngày càng được củng cố và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Sự phát triển của KCNC còn góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. KCNC hợp tác đào tạo với các trường, như: Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Ngoại ngữ tin học, Đại học Kinh tế, Cao đẳng Eishin – Nhật Bản, kể cả đào tạo thạc sĩ. Từ năm 2013 đến nay, KCNC hợp tác với Microsoft thành lập Trung tâm Nghiên cứu sáng tạo. Hiện KCNC đã là thành viên chính thức của các tổ chức uy tín như: Hiệp hội Các công viên Khoa học thế giới (ISPA), Hiệp hội Các công viên khoa học châu Á (ASPA), các trường đại học như: Georgetown, Illinoise University, Arizona SU (Hoa Kỳ), Sydney (Ô-xtrây-li-a), Tsukuba (Nhật Bản) và UQUAM (Ca-na-đa) và các nhà khoa học, Việt kiều ở nước ngoài. Thời gian tới, chắc chắn công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho KCNC nói riêng và thành phố nói chung sẽ có bước đột phá, nhất là khi Đại học Fulbright, Hutech, Trung tâm đào tạo Việt – Nhật, Việt – Hàn và các trung tâm của doanh nghiệp chính thức hoạt động.
KCNC cũng chú trọng đến “Công tác ươm tạo”, để các công ty mới khởi nghiệp thực hiện ý tưởng, bán sản phẩm và chuyển giao công nghệ. Đại diện KCNC cho biết, từ năm 2014 đến nay, việc chuyển giao các sản phẩm này đã thu về hơn 10 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp công nghệ có hiệu quả tăng dần và đã đứng vững trên thương trường bằng nền tảng công nghệ mới (Acis, Gremsy, HoneyB, Home-Heathcare). Những thành công từ KCNC đã góp phần tích cực trong việc tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành trung ương ban hành các chính sách về hoạt động, phát triển công nghệ cao. TP Hồ Chí Minh phấn đấu thu hút vốn đầu tư, các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu, kỹ sư có khả năng nghiên cứu và làm chủ công nghệ, đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu cả nước, xứng tầm khu vực vào năm 2020.
Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động của KCNC TP Hồ Chí Minh vẫn tồn tại những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài hàng chục năm, còn 74 hộ dân sinh sống trên 12,3 ha trong KCNC, gây khó khăn cho công tác quy hoạch. Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng còn nhỏ giọt, chưa đồng bộ, từ năm 2002 đến nay, tổng số tiền đầu tư xây dựng là hơn 6.784 tỷ, trong đó ngân sách trung ương cấp hơn 1.500 tỷ đồng. Do chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư quá lớn, gần 3.700 tỷ đồng, thời hạn giải ngân quá dài, cho nên KCNC chưa có hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư, phát triển đột phá. Điều các chuyên gia kinh tế lo ngại nữa là chất lượng nguồn nhân lực tại KCNC. Trong số hơn 21.000 lao động, có hơn 15.400 người là lao động phổ thông, chỉ có 17 người đạt trình độ tiến sĩ, 218 thạc sĩ. KCNC đang phấn đấu giảm dần lao động phổ thông, sắp tới sẽ tăng nhân lực có trình độ đại học, trên đại học từ 50 đến 70% trong tổng số lao động, kể cả nhân lực trình độ cao từ nước ngoài.
Một điểm cần nhanh chóng khắc phục, đó là doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm làm ra tại KCNC chỉ khoảng 10% và chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản và Hàn Quốc, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho KCNC chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các ngành có thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, như: cơ khí, dệt may, da giày, thiết bị điện – điện tử… gần như đang đứng ngoài chuỗi cung ứng giá trị cho KCNC do nhiều doanh nghiệp vẫn quanh quẩn thói quen nhập khẩu linh kiện, gia công. TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý KCNC khẳng định, không phát triển được công nghiệp hỗ trợ, thì phần lớn giá trị gia tăng tạo ra sẽ thuộc về các nhà đầu tư FDI và các nhà cung ứng linh kiện nước ngoài. Còn lợi ích TP Hồ Chí Minh thu được không đáng kể, chỉ là việc làm và một chút kinh nghiệm quản lý.
Để KCNC là đầu tàu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ chiều rộng sang chiều sâu, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng, thành phố cần sớm khắc phục những vướng mắc, khó khăn tồn tại nêu trên. Trước tiên, tập trung giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu và triển khai từ khu vực doanh nghiệp (cần đạt tối thiểu 0,5% doanh số hằng năm); đầu tư cơ sở vật chất cho đơn vị nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ trong KCNC từ ngân sách Nhà nước, đạt ít nhất 20% tổng kinh phí; có cơ chế, chính sách riêng tại KCNC nhằm hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang khẳng định, thành phố đang khẩn trương quy hoạch tổng thể để làm cơ sở pháp quy cho kế hoạch đầu tư xây dựng hoàn chỉnh KCNC trong năm năm tới và sẽ mở các KCNC tiếp theo để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng (như Phân khu Saigon Silicon Center, Phân khu One-Hub C1,…). Có cơ chế ưu đãi hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế – xã hội có quy mô lớn, tính lan tỏa cao và tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường công tác ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, thiết lập cơ chế đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ cao phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội và hướng tới nền kinh tế tri thức.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()