Điểm sáng vận động thu hồi vũ khí
Công an xã Công Sơn, huyện Cao Lộc đến nhà người dân tuyên truyền, vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ |
Công Sơn là xã vùng 3 của huyện Cao Lộc có 273 hộ, trên 1.390 nhân khẩu, sinh sống tại 9 thôn bản. Theo ông Triệu Trần Hang, Trưởng Công an xã: Các loại vũ khí, vật liệu nổ ở các khu dân cư chủ yếu do người dân từ thế hệ trước lưu giữ lại. Nhiều người trong số họ muốn giữ súng kíp cổ làm kỷ niệm, một số khác muốn dùng để săn bắn hằng ngày. Cũng có người dân tìm mua các linh kiện, bộ phận về làm súng tự chế. Tuy nhiên, bà con không nhận thức được hết những nguy hại do chúng gây ra. Trước tình hình đó, Ban Công an xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, đồng thời phát động phong trào giao nộp VKVLN&CCHT trong toàn dân. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, lập danh sách, cử cán bộ đến tận gia đình tuyên truyền, thuyết phục, vận động người dân giao nộp.
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, lực lượng công an xã đã vận động giao nộp được 67 khẩu súng kíp, 12 súng bắn cồn, 2 kg thuốc nổ, 180 viên đạn súng K54, 1 băng đạn súng AK. Trong đó, riêng năm 2017 thu được 17 súng kíp, 5 súng bắn cồn, 1 bộ kích điện tự chế.
Theo lãnh đạo Công an xã, để có kết quả trên là sự kiên trì của đơn vị trong việc bám nắm địa bàn, vận động và thuyết phục nhân dân. Có nhiều trường hợp phải làm công tác tư tưởng trong thời gian dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, ví dụ như trường hợp vận động giao nộp súng kíp đối với ông Dương Dàu Sinh, 76 tuổi ở thôn Lục Bó; vận động giao nộp súng kíp, lựu đạn đối với ông Triệu Sáng Sỉu, 64 tuổi ở thôn Ngàn Pặc… Khi những người cao tuổi trong các thôn bản đã đồng thuận thì việc tuyên truyền những trường hợp khác sẽ trở nên dễ dàng hơn. Và quan trọng nhất là người dân đã ý thức được rằng việc tàng trữ VKVLN&CCHT không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Ông Triệu Trần Nình, thôn Nhọt Nặm tâm sự: Gia đình tôi có khẩu súng kíp cổ từ thời các cụ để lại, trước đây hay dùng nó bắn thú rừng, vừa bảo vệ mùa màng, vừa kiếm thức ăn. Thế nhưng, sau khi nghe tuyên truyền, vận động, tôi hiểu được việc sử dụng súng là vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người khác, nên tôi đã tự giác giao lại cho công an xã.
Ông Triệu Trần Lừu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò nòng cốt của lực lượng công an, việc vận động giao nộp VKVLN&CCHT thời gian qua đã đạt kết quả đáng mừng, ý thức người dân từng bước được nâng cao. Hiện súng kíp cổ trên địa bàn cơ bản không còn, các loại súng tự chế cũng được lực lượng chức năng xã phát hiện, thu giữ kịp thời, phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc do vũ khí gây ra. Mặc khác, xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con không nên đặt bẫy thú rừng ở các nương rẫy, tránh để người dân, gia súc đi lại dẫm phải. Qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()