LSO-Nếu như xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình nổi tiếng từ nhiều năm nay với cây thông, thì vài năm trở lại đây, xã giáp ranh Như Khuê trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế với cây ngô là chủ lực. Như Khuê trở thành “thủ phủ” của cây ngô không chỉ bởi đây là loại cây phù hợp với đất đồi của xã. Câu chuyện người Nùng Như Khuê đưa cây ngô lên đồi còn mang theo bài học về sự cần mẫn trong sản xuất, sự sáng tạo, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng.Từ cây ngô nhiều gia đình ở xã Như Khuê xây dựng được những ngôi nhà khang trangTừ Quốc lộ 4B, rẽ vào tỉnh lộ 250, bỗng có cái cảm giác như đi lạc vào một vùng trung du Bắc Bộ, những sườn đồi lúp xúp tròn đầy như mâm xôi, nơi trồng vải thì hao hao giống Bắc Giang, nơi loáng thoáng bóng cây móc thì cứ ngỡ như đang đi dạo trên đất Phú Thọ. Đến đất Như Khuê thì mọi thứ ngờ ngợ như thế đều tan biến, ngập tràn trong mắt là những đồi ngô ruộm vàng...
LSO-Nếu như xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình nổi tiếng từ nhiều năm nay với cây thông, thì vài năm trở lại đây, xã giáp ranh Như Khuê trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế với cây ngô là chủ lực. Như Khuê trở thành “thủ phủ” của cây ngô không chỉ bởi đây là loại cây phù hợp với đất đồi của xã. Câu chuyện người Nùng Như Khuê đưa cây ngô lên đồi còn mang theo bài học về sự cần mẫn trong sản xuất, sự sáng tạo, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng.
|
Từ cây ngô nhiều gia đình ở xã Như Khuê xây dựng được những ngôi nhà khang trang |
Từ Quốc lộ 4B, rẽ vào tỉnh lộ 250, bỗng có cái cảm giác như đi lạc vào một vùng trung du Bắc Bộ, những sườn đồi lúp xúp tròn đầy như mâm xôi, nơi trồng vải thì hao hao giống Bắc Giang, nơi loáng thoáng bóng cây móc thì cứ ngỡ như đang đi dạo trên đất Phú Thọ. Đến đất Như Khuê thì mọi thứ ngờ ngợ như thế đều tan biến, ngập tràn trong mắt là những đồi ngô ruộm vàng chờ thu hoạch, ngô phủ kín từ chân lên tới đỉnh đồi, mỗi năm 2 vụ, toàn xã thu hoạch trên 500 tấn ngô, bình quân mỗi hộ 1,7 tấn, cá biệt có những hộ 1 vụ thu trên 6 tấn. “Ngô Như Khuê” – có lẽ phải gọi bằng danh từ riêng như vậy mới diễn tả cặn kẽ vai trò của loại cây trồng này đối với xã. Nhờ sự đóng góp của cây ngô, kinh tế – xã hội của xã những năm gần đây ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, xã Như Khuê không còn hộ đói, hàng năm tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ khá, hộ giàu tăng mạnh. Năm 2009, tỉ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,7%, tương đương 16 hộ, lương thực bình quân đầu người đạt 805 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,8 triệu đồng/người/năm, những con số rất đáng khích lệ với một xã vùng II, miền núi. Người Nùng ở Như Khuê vốn cần cù và khéo tay có tiếng, nếu ai còn nghi ngờ điều này thì sau một lần đến Như Khuê, xã với trên 98% là dân tộc Nùng, nhìn những đồi ngô vàng ngút ngát, xem họ trèo hái những quả trám đen, quan sát họ đan giậu đựng nông sản, thì hẳn sẽ không còn lấn cấn, nghi hoặc gì nữa.
Như Khuê là xã nhỏ với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 786ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, ruộng đất canh tác ít, đất sản xuất nông nghiệp chỉ gần 400 ha, 283 hộ với 1305 nhân khẩu ở Như Khuê hiện nay hầu hết đều gắn bó với cây ngô, thoát nghèo từ cây ngô, vươn lên làm giàu cũng từ ngô. Sự phát triển của cây ngô ở Như Khuê không phải là ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám đi đầu trong chuyển đổi cây trồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Thắng, Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: “Trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm, Đảng uỷ xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, đặc biệt xã đã quyết định thử nghiệm trồng cây ngô lai trên vườn đồi. Qua thực tế cho thấy, các loại giống ngô lai như ĐK888, NK54, NK430 được xác định là phù hợp với thời tiết, đất đai của địa phương, từ đó khuyến khích bà con chuyển đổi, đến nay, cây ngô thực sự là cây lượng thực chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã, góp phần tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh lương thực trên địa bàn”.
Một trong những yếu tố góp phần đẩy mạnh sự phát triển của cây ngô tại Như Khuê chính là truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân địa phương, từ khi đưa cây ngô lai vào sản xuất, đất đai vườn đồi ở địa phương thực sự mỗi tấc đất trở thành một tấc vàng, người dân khai thác và tận dụng mọi tiềm năng của đất đai để đưa vào sản xuất. Ông Nông Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cây ngô lai phát triển mạnh tại Như Khuê ngoài yếu tố hợp thổ nhưỡng còn phụ thuộc nhiều vào ý thức và sự sáng tạo trong sản xuất của bà con. Sau thử nghiệm đưa cây ngô lên đồi đạt kết quả tốt, bà con rất tự giác trong chuyển đổi, góp phần biến cây ngô trở thành cây thế mạnh tại địa phương. Những năm gần đây, nhận thấy khoảng giãn giữa hai vụ ngô, đất canh tác bị nhàn rỗi, bà con đã chủ động trồng gối cây sắn, hiện cũng đem lại kết quả tốt, chuyển đổi thành công, bà con rất phấn khởi và an tâm sản xuất. Như Khuê không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn gần 6%, kết quả này sẽ không có được nếu thiếu đi sự cần cù, sáng tạo và mạnh dạn của bà con. Tuy nhiên, cây trồng ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết và thiên nhiên, hiện nay, nước dẫn từ khe xuống chỉ đủ phục vụ non nửa diện tích sản xuất của bà con, người Như Khuê rất mong có được hệ thống thuỷ lợi để phục vụ tưới tiêu. Nếu nguồn nước ổn định, cây ngô chắc chắn sẽ cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn”.
|
Như Khuê có hơn 300 ha đất lâm nghiệp, trồng rừng cũng là thế mạnh và hướng đi lâu dài của xã, nhưng chính cây ngô, loại cây ngắn ngày đang là chỗ dựa vững chắc, giúp bà con vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng niềm tin vào những cánh rừng trồng hàng chục năm mới đem lại giá trị kinh tế, giúp người Như Khuê không bị rơi vào những khoảng lặng sau khai thác rừng trồng như một số địa phương khác. Khi ngô vàng lá chờ thu hoạch thì sắn đã lên xanh, đó là hình ảnh của Như Khuê trong những năm gần đây, một hình thức luân canh, gối vụ, cải tạo đất, tăng giá trị kinh tế tưởng chừng như đã cũ nhưng không phải địa phương nào cũng làm được và làm tốt như người Nùng Như Khuê. Đến thăm nhà anh Hoàng Văn Thán, thôn Nà Vang, gia đình anh Thán không hẳn là một hộ làm kinh tế điển hình tại Như Khuê nhưng tổng thu nhập từ đồi ngô, vườn cây, ao cá, chăn nuôi và rừng trám cũng cho gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, đời sống gia đình ổn định. Anh Thán cho biết: “Từ lâu rồi, cái đói không còn tồn tại ở Như Khuê nữa, cây ngô cho chúng tôi nhiều thứ lắm: kinh tế gia đình vững vàng, có vốn để phát triển chăn nuôi, có đủ sức bền để chăm sóc, bảo vệ đồi rừng. Quan sát “toàn cảnh” gia đình anh, có thể thấy được một Như Khuê thu nhỏ trong đó, ngô vàng phơi kín ngoài sân, hàng đu đủ sai trĩu quả, ao cá lăn tăn, rừng trám xanh mát phía xa… một Như Khuê đang đổi mới từng ngày.
“Tại các cửa hàng bán giống cây trồng, những giống mới nhất, tốt nhất người Như Khuê luôn là những khách hàng mua đầu tiên.” Câu nói của ông Bí thư Đảng uỷ xã phải chăng là sự minh chứng rõ ràng cho sức phát triển ở Như Khuê – một xã không chủ động được về nước tưới trong sản xuất nhưng rất chủ động trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, chủ động trên con đường xoá đói giảm nghèo. Đến Như Khuê, nhìn những cụ già tròm trèm 80 tuổi vẫn tỉ mẩn đan lát phụ giúp con cháu mới thấy hết sức lao động bền bỉ và sự cần cù của người dân nơi đây. Có thể vô tình mà xã Như Khuê có cái tên đẹp như tên một người con gái, nhưng không phải là ngẫu nhiên mà Như Khuê trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế. Bỗng cảm thấy thật vui với ý nghĩ rằng: nếu có giải thưởng Sao Khuê dành cho những địa phương cần mẫn, sáng tạo và mạnh dạn trong sản xuất, giải thưởng ấy hẳn sẽ được trao cho Như Khuê với kinh nghiệm đưa cây ngô lên đồi đất dốc…
Trúc Lam
Ý kiến ()