Điểm sáng Hồng Phong 1
LSO-Đến thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thôn quê nơi đây. Ấn tượng hơn nữa là người dân trong thôn đã lựa chọn được mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, ổn định. Dường như nông thôn mới (NTM) đã hiện hữu ở làng quê này từ lâu.
Người dân thôn Hồng Phong 1 phát tỉa hàng rào của gia đình |
Đẹp từ nhà ra ngõ
Biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về phong trào xây dựng NTM ở huyện Bắc Sơn, anh bạn ở Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện nhanh nhảu: Chú cứ xuống Hồng Phong 1, bà con “làm” NTM hay lắm.
Trực tiếp xuống liên hệ làm việc với xã Chiến Thắng, không phút chần chừ, ông Hoàng Quang Phiệt, Phó Bí thư Đảng ủy xã lấy xe máy chở tôi xuống thôn Hồng Phong 1. Được “mục sở thị” mới cảm nhận rõ sự đổi thay của thôn.
Ấn tượng đầu tiên là những con đường được bê tông trải dọc thôn, khắp các ngõ ngách. Đoạn hẹp cũng từ 1đến 2 m, đoạn rộng lên đến 4 m. Đường không chỉ rộng mà khi làm, người dân còn để ra mỗi bên 30 – 50 cm lề đường để trồng hoa.
Bên cạnh những đoạn “đường hoa”, điểm nhấn nổi bật hơn cả trong bức tranh phong cảnh của Hồng Phong 1 chính là những hàng rào bằng cây ô rô. Ông Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn chia sẻ: Thay vì những bức tường rào được xây dựng bằng gạch như ở nhiều nơi thì Hồng Phong 1 chọn cách làm tường rào bằng cây ô rô. Hàng rào ô rô được trồng từ năm 1970. Thôn có 82 hộ thì khoảng 60 hộ làm hàng rào bằng loại cây này. Để hàng rào đều, đẹp, định kỳ 2 – 3 tháng, các hộ lại cắt, tỉa một lần. Với đặc điểm lá xanh mướt bên ngoài, gai mọc nhiều bên trong, những hàng rào ô rô không chỉ đóng vai trò bảo vệ tài sản, hoa màu mà còn góp phần quan trọng vào việc tạo cảnh quan, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. Chính từ những ưu điểm đó mà gần đây, nhiều xã đã đến thôn để xin giống, nhân rộng.
Năng động phát triển kinh tế
Không chỉ chung tay làm cho thôn thêm đẹp, người dân Hồng Phong 1 còn rất năng động trong phát triển kinh tế. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, lạc, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, bà con đã chủ động tìm hiểu và xây dựng mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Trưởng thôn Nguyễn Văn Dư cho biết: Hiếm thấy bóng con trâu nào trên cánh đồng. Cũng chẳng thấy mùi “đặc trưng” của chăn nuôi ở các vùng quê. Thế nhưng ở đây, hầu hết nhà nào cũng nuôi nhiều trâu, nhưng không nuôi như ở nơi khác, người dân nơi đây nuôi theo mô hình nhốt chuồng vỗ béo.
Đối với mô hình chăn nuôi này, thông qua tổ dịch vụ, các hộ mua trâu trưởng thành từ các nơi về (thường là những con gầy) để nuôi nhốt chuồng vỗ béo, sau đó sẽ bán. Thức ăn chính của trâu là cỏ voi nên diện tích trồng ngô trước đây, người dân đã chuyển sang trồng cỏ voi. Ông Dư chia sẻ: Với cách chăn nuôi như vậy, mỗi năm gia đình tôi có thể nuôi từ 3 đến 4 lứa, mỗi lứa từ 4 đến 5 con, trừ chi phí 1 năm thu lãi từ 70 đến 80 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi, tận dụng diện tích đồi rừng, gia đình trồng 2 ha cây mỡ. Mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất đã mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho gia đình. Năm 2016, ông Dư đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Không chỉ gia đình ông Dư, nhiều hộ khác trong thôn cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập. Hiện cả thôn có khoảng 70 hộ nuôi trâu vỗ béo. Ngoài ra, một số hộ còn phát triển thêm mô hình trồng cây ăn quả, các tổ thợ mộc, thợ xây… Hiện trên 70% số hộ trong thôn có tổng thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền thôn không có hộ nghèo.
Với kết quả đạt được, đến nay, cơ bản các tiêu chí xây dựng NTM ở thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng đã hoàn thành, trở thành điểm sáng, tạo động lực quan trọng giúp xã Chiến Thắng đạt chuẩn NTM năm 2017.
TÂN AN
Ý kiến ()