Điểm sáng giao lưu biên giới trong bóng đen đại dịch
Trong 5 năm trở lại đây, kể cả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động giao lưu, hợp tác biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng tiếp tục được duy trì và thúc đẩy.
Qua đó càng chứng minh đây là kênh hợp tác hiệu quả và là điểm sáng trong công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, góp phần xây dựng đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Những dấu ấn trên đường biên giới chung
Giai đoạn 2016-2021, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam nói riêng vẫn không ngừng thúc đẩy nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với các nước láng giềng có biên giới liền kề.
Sau thành công của kỳ giao lưu đầu tiên vào năm 2014, đến nay đã 6 lần Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức. Gần đây nhất, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 diễn ra tại hai tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 24-4-2021, dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Phan Văn Giang (nay là Đại tướng), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Dù chỉ gói gọn trong một ngày nhưng chương trình giao lưu bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, qua đó chứng tỏ quyết tâm của quân đội hai nước trong việc tiếp tục xây dựng và bảo vệ đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Lực lượng quân y Việt Nam tham gia Diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ y tế giữa quân đội hai nước Việt Nam – Trung Quốc tại tỉnh Quảng Ninh, tháng 12-2021. Ảnh: TUẤN HUY |
Thành công của Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 6 cũng một lần nữa chứng tỏ đây là hoạt động đối ngoại tiêu biểu trong hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc và quan trọng hơn là mang lại hiệu quả thiết thực cho mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới cũng như người dân hai nước ở khu vực giáp biên.
Năm 2021 cũng chứng kiến một dấu ấn mới trong giao lưu, hợp tác biên giới khi Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất được tổ chức vào trung tuần tháng 12, tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và huyện Seponh (Savannakhet), dưới sự đồng chủ trì của Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào.
Chương trình giao lưu là cơ hội để thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, vốn được xác định là một trụ cột quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Đây cũng được coi là hoạt động có ý nghĩa chính trị to lớn, tạo sức lan tỏa rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố, phát huy mối quan hệ giữa hai nước nói chung, giữa quân đội hai nước nói riêng.
Ngoài ra, chương trình Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ 2 và 3 cũng tiếp tục được tổ chức, lần lượt vào các năm 2016 và 2018 với sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Thông qua chương trình này, lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam và các nước có thêm cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý biên giới, nhân rộng những mô hình, cách làm hay để từ đó thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc các chương trình, hoạt động giao lưu ở biên giới được tổ chức trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 càng góp phần khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó ưu tiên mối quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước bạn bè truyền thống…
Mô hình hợp tác hiệu quả
Các hoạt động giao lưu, hợp tác ở khu vực biên giới được duy trì và thúc đẩy trước hết xuất phát từ hiệu quả mà những hoạt động này mang lại cho lực lượng bảo vệ biên giới và người dân các nước ở khu vực giáp biên.
Một ví dụ điển hình là kể từ sau khi chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 đến nay, rất nhiều mô hình hợp tác bảo vệ biên giới đã được triển khai và phát huy hiệu quả rõ nét, thực chất.
Trong đó phải kể đến hoạt động tuần tra chung của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, hoạt động giao lưu văn hóa, thăm hỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế-xã hội, chung sức bảo vệ biên giới của nhân dân hai bên biên giới. Nhờ đó, tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục ổn định, hòa bình, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới cũng như trật tự, an toàn khu vực biên giới chung được giữ vững.
Trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào năm 2018, sự kiện ghi dấu ấn lần thứ 5 chương trình này được tổ chức, lãnh đạo quân đội hai nước đã đánh giá đây là một trong những hoạt động biểu tượng và rất có ý nghĩa đối với hợp tác quốc phòng song phương, đồng thời nhất trí cho rằng cần tiếp tục duy trì tổ chức chương trình giao lưu với nội dung, hình thức không ngừng đổi mới để đem lại hiệu quả lâu dài, thiết thực hơn.
Cùng với chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới và Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, thời gian qua, lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam và các quốc gia có chung đường biên giới còn tích cực phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm xuyên biên giới và di cư trái phép, tăng cường các hoạt động tuần tra chung, tổ chức giao lưu, kết nghĩa đồn-trạm, cụm bản, trao đổi kinh nghiệm…
Thông qua các hoạt động này, lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam với 3 nước láng giềng là Lào, Trung Quốc và Campuchia đã phối hợp rất chặt chẽ trong bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn các hoạt động tội phạm qua biên giới.
Cũng là thiếu sót rất lớn nếu không nhắc lại rằng, với vai trò là một trong những lực lượng tiên phong ở tuyến đầu chống dịch, lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam, Lào, Trung Quốc và Campuchia đã thường xuyên duy trì liên lạc, kịp thời phát hiện, xử lý và thông báo cho nhau các trường hợp công dân mỗi nước xuất, nhập cảnh trái phép, qua đó góp phần ngăn ngừa, kiểm soát hiệu quả sự lây lan của đại dịch Covid-19 qua biên giới và mở ra cánh cửa giao thương vùng biên khi điều kiện cho phép.
Tạm vượt qua giai đoạn khó khăn, hoạt động giao lưu, hợp tác ở tuyến biên giới của Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt, sát với thực tế nhằm cùng xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()