Điểm sáng Bình Gia
LSO-Bình Gia là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn, trung tâm huyện cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 75 km về phía Tây Bắc. Huyện có diện tích tự nhiên gần 1.100 km2 với 19 xã và 1 thị trấn thì có tới 17 xã nằm trong diện được hưởng chương trình 135.
Đường nội đồng xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã được bê tông hóa |
Do điều kiện địa hình bị chia cắt mạnh, diện tích rộng, hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đang được đầu tư nhưng còn thiếu nhiều so với nhu cầu và không đồng bộ, trong đó có lĩnh vực giao thông nông thôn. Nhằm từng bước cải thiện hạ tầng giao thông, những năm qua, Bình Gia đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Một trong những khâu huyện Bình Gia làm tốt trong giai đoạn 2010-2014 chính là xây dựng thành công các mô hình làm đường phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nhằm động viên, vận động nhân dân toàn huyện ra sức thi đua góp công, góp của xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, Huyện ủy Bình Gia đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường phát huy nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Từ đây, phong trào phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của huyện đã có bước phát triển khá toàn diện và rộng khắp.
Bên cạnh các phong trào truyền thống như: phong trào “Nhà nước hỗ trợ xi măng nhân dân tự làm”; phong trào “Ra quân đầu xuân làm giao thông thủy lợi”, trong giai đoạn này, nhiều cách làm hay, mô hình mới hiệu quả đã được hình thành và nhân rộng. Điển hình như: mô hình “Khu dân cư tự mở đường dân sinh”; mô hình “Lồng ghép diễn tập chiến đấu trị an nội dung phát triển kinh tế xã hội kết hợp làm đường giao thông nông thôn và xây dựng nông thôn mới”.
Những xã xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình này phải kể đến như: Hoa Thám; Thiện Long; Thiện Hòa; Hồng Phong; Hưng Đạo; Thiện Thuật; Hoàng Văn Thụ; Tân Văn… trong giai đoạn 2010-2014 chỉ tính riêng mô hình “Khu dân cư tự mở đường dân sinh” các xã đã mở mới được trên 50 km đường dân sinh, sửa chữa đường xã, thôn được 3.200 km, nhân dân đóng góp trên 100 nghìn ngày công lao động. Về mô hình này thì thôn Vĩnh Quang, xã Hoa Thám là một điển hình. Ông Nông Văn Mau, Trưởng thôn Vĩnh Quang cho biết: khi mới xây dựng mô hình, bà con trong thôn cũng có nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng Vĩnh Quang là một thôn nghèo đặc biệt khó khăn, việc mở đường là trách nhiệm của chính quyền huyện, tỉnh. Nhưng nhờ cách vận động và làm gương từ những người đứng đầu, thôn đã triển khai thành công và hiệu quả mô hình.
Đến nay, Vĩnh Quang đã mở được trên 11 km đường dân sinh từ đường tỉnh 226 vào đến các xóm của thôn Vĩnh Quang trị giá trên 300 triệu đồng, riêng ông đã hiến trên 4.000 m2 đất để làm đường, trường học và một số công trình khác. Mô hình “lồng ghép diễn tập trị an nội dung phát triển kinh tế kết hợp làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” thực hiện trong những năm qua cũng rất hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Hướng, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Bình Gia cho biết: từ năm 2010 đến nay, mô hình này được thực hiện rất thành công và đạt được nhiều mục tiêu, trong đó có việc củng cố kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Ban đầu mô hình chỉ thực hiện tại 5 xã điểm, từ thực tiễn triển khai mô hình hiệu quả, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Gia quyết định nhân rộng ra tất cả các xã những năm sau đó và huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện chương trình. Trong giai đoạn 2010-2014, mô hình đã huy động được trên 120 nghìn ngày công để làm đường giao thông và đóng góp bằng tiền mặt để mua vật liệu làm đường trị giá trên 2 tỷ đồng, mỗi năm mô hình này đã bê tông được trên 15 km đường giao thông trục thôn, ngõ xóm.
Các mô hình phát huy hiệu quả đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với nông thôn Bình Gia trong những năm qua. Năm 2009, trên địa bàn huyện có 118 /194 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn và 9/19 xã, bằng 47% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; toàn huyện mới bê tông hóa được 174 km/1.300 km chiều dài đường trục xã, thôn, ngõ xóm. Đến giai đoạn 2010-2014, đã có 174/194 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn, tăng 56 thôn, so với năm 2009, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được 4 mùa đã đạt 12/19 xã. Đối với lĩnh vực bê tông hóa đường giao thông nông thôn, từ năm 2010 đến 2014, toàn huyện đã bê tông hóa được 142 km. Trong 3 tháng đầu năm 2015, toàn huyện đã phát triển được 5 km đường giao thông nông thôn, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt gần 100 triệu đồng mua vật liệu làm đường.
Trước những cách làm hay, mô hình hiệu quả của huyện Bình Gia đối với phong trào phát triển giao thông nông thôn địa phương, ngày 23/3/2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 506 tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Bình Gia vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn miền núi giai đoạn 2010-2014.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()