Điểm sáng Bắc Sơn
LSO-Không có nhiều điều kiện để lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) phát triển mạnh như một số huyện, thành phố, thế nhưng, sau khi hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Bắc Sơn lại là một trong những huyện có số HTX hoạt động hiệu quả cao nhất trên địa bàn tỉnh.
Mô hình trồng cây ăn quả ở thôn Bó Luông, xã Đồng Ý đang được xây dựng thành tổ hợp tác |
Cuối tháng 10/2016, đội thi đến từ huyện Bắc Sơn đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu các mô hình HTX kiểu mới tỉnh Lạng Sơn năm 2016”. Ông Dương Hữu Phong, Phó Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Bắc Sơn cho biết: Để có được kết quả đó, bên cạnh sự tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng về nội dung, kiến thức về Luật HTX năm 2012, đội thi của huyện còn đúc rút từ thực tiễn hoạt động của các HTX trên địa bàn. Những câu chuyện đem đến cuộc thi, phần lớn các thành viên trong đội cũng đã dùng để tuyên truyền về KTTT cho các xã, thị trấn của huyện.
Từ sân khấu hóa đến tổ chức các lớp tập huấn, vận động nhân dân tham gia kinh tế hợp tác bằng nhiều hình thức đã giúp người dân nắm bắt cũng như tích cực tham gia kinh tế hợp tác. Ông Lương Đình Hoàn, Giám đốc HTX Hòa Thuận, xã Đồng Ý cho biết: Trước đây, gia đình đã tự đầu tư thiết bị để sản xuất, chế biến gỗ. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, gia đình đã gặp một số khó khăn nhất định về vốn, lao động, bao tiêu sản phẩm… Năm 2012, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ phụ trách KTTT huyện, tôi đã đứng lên vận động và thành lập HTX Hòa Thuận với 12 thành viên. Đi vào hoạt động, những khó khăn trước đây của gia đình từng bước được khắc phục. Không những vậy, hoạt động hiệu quả của HTX còn tạo thêm việc làm cho một số hộ nghèo trên địa bàn xã cũng như có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ trồng rừng. Từ đó giúp các hộ dân yên tâm phát triển sản xuất.
Tương tự như vậy, HTX môi trường và dịch vụ thương mại Minh Đức, thị trấn Bắc Sơn cũng là một trong những đơn vị kinh tế hợp tác tiêu biểu trên địa bàn huyện. Ông Hà Minh Đức, Giám đốc HTX cho biết: Tiền thân là tổ thu gom rác thị trấn Bắc Sơn, tuy nhiên, đứng trước yêu cầu thực tiễn của việc cải tổ, chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu công việc, tháng 9/2014, HTX được thành lập với 10 thành viên, trong đó có 9 lao động trực tiếp và 1 lái xe. Mặc dù mới đi vào hoạt động, song HTX đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Vừa quản lý tốt việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo việc làm cho lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài 2 trường hợp kể trên, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Bắc Sơn còn xuất hiện những HTX năng động, vượt khó vươn lên phát triển như: HTX Như Ý, thị trấn Bắc Sơn; HTX thủy sản Tam Hoa, xã Hưng Vũ; HTX thủy sản Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn; HTX Toàn Thắng, xã Vũ Lễ… Theo số liệu của UBND huyện Bắc Sơn, đến nay, toàn huyện có 20 HTX với 160 thành viên; trên 80% số HTX hoạt động có hiệu quả. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lao động tham gia HTX hằng năm tăng 3-4%, thu nhập bình quân tăng 6-7% (hiện nay thu nhập của thành viên HTX đạt 35-40 triệu đồng/người/năm); trên 80% số cán bộ quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng quản trị, quản lý HTX.
Có được kết quả đó, bên cạnh tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ, thành viên HTX, các chính sách hỗ trợ khác đã được huyện triển khai có hiệu quả. Cụ thể như: hỗ trợ vay vốn ngân hàng thương mại; quỹ hỗ trợ phát triển HTX 550 triệu đồng; hỗ trợ 132 triệu đồng cho các HTX đi học hỏi kinh nghiệm; hỗ trợ về đất đai như: thủ tục xin giao đất không thu tiền sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất…
Ông Dương Trần Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển KTTT. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển KTTT gần hơn với người dân. Phấn đấu mỗi năm phát triển mới từ 5-7 HTX, không để các HTX tồn tại trên danh nghĩa, hình thức. Từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của lĩnh vực KTTT trên địa bàn.
TÂN AN
Ý kiến ()