Thứ 4, 27/11/2024 07:25 [(GMT +7)]
Ðiểm "nhấn" trong việc thực hiện nâng cao giáo dục chất lượng cao ở Ninh Thuận
Thứ 2, 06/09/2010 | 09:05:00 [(GMT +7)] A A
Trong năm học mới 2010 – 2011, tỉnh Ninh Thuận có 136.300 học sinh các cấp đến trường. Địa phương đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng, sửa chữa hơn hai nghìn phòng, xây mới 324 phòng học, 43 nhà công vụ cho giáo viên ở miền núi. Với mục tiêu tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được xem là điểm “nhấn” trong thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh.
Chúng tôi về huyện Thuận Bắc, một trong những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số Ra Glai đông nhất tỉnh Ninh Thuận, được thành lập cách đây năm năm vào những ngày địa phương nô nức chuẩn bị khai giảng năm học mới. Thầy giáo Tài Dá, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Kháng vừa chỉ cho tôi xem ngôi trường nằm dưới chân núi trong làng vừa nói: Huyện huy động các nguồn lực đầu tư hơn ba tỷ đồng xây dựng ngôi trường mới hai tầng với sáu phòng học, hai nhà nội trú, bốn phòng chức năng và các công trình phụ khác khá khang trang, nên nhà trường an tâm tiếp nhận 135 học sinh dân tộc thiểu số Ra Glai theo học từ lớp sáu đến lớp chín. Chưa hết, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh ở đây vui mừng hơn rất nhiều khi huyện được Nhà nước đầu tư 7,2 tỷ đồng xây dựng mới và thành lập Trường THPT Phan Bội Châu đầu tiên ở huyện, trường chính thức tiếp nhận 270 học sinh lớp 10. Vậy là cảnh hằng ngày các em phải đạp xe đi vài chục km dưới cái nóng thấp nhất là 37oC để học ở một trường của huyện khác không còn nữa.
Trước khi khai giảng năm học, huyện miền núi Bác Ái cách trung tâm tỉnh lỵ gần 70 km đã chủ động tuyển dụng giáo viên dạy nói tiếng Việt cho các em học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp một, để đảm bảo kỹ năng nghe giáo viên giảng bài khi vào học chính khóa. Anh Đặng Ngọc Hải, chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Giáo viên ở địa phương thường xuyên biến động. Hầu hết là từ dưới xuôi lên, cho nên sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ “gieo chữ”, họ đều có nguyện vọng chuyển công tác về đồng bằng. Vì vậy, năm học mới nào huyện cũng phải tuyển dụng thêm giáo viên. Hiện toàn huyện có 177 giáo viên THCS và 176 giáo viên tiểu học. Năm học này, đơn vị tuyển thêm 24 giáo viên THCS ở các bộ môn Toán, Vật lý: Hóa, Sinh, Văn, Anh văn… Riêng giáo viên tiểu học còn thiếu 46 người, nhưng tuyển dụng không nhiều, vì huyện chuẩn bị tiếp nhận 30 giáo sinh là con em đồng bào Ra Glai đang học năm cuối tại trường cao đẳng sư phạm tỉnh về đứng lớp sau khi tốt nghiệp vào tháng tới.
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Pi Năng Thị Thủy, phấn khởi nói: Năm học 2010-2011, huyện Bác Ái được đầu tư nhiều tỷ đồng xây mới Trường THCS Võ Thị Sáu ở xã Phước Hòa; Trường tiểu học Phước Bình C, Phước Trung A và sửa chữa Trường tiểu học Phước Thắng, Phước Tiến A… Nhìn chung cơ sở vật chất trường học khá khang trang. Bên cạnh đó, hơn ba nghìn học sinh từ lớp một đến lớp chín ở huyện được hỗ trợ mỗi em một bộ sách giáo khoa và vở. Dọc đường đi, chúng tôi có dịp gặp hàng trăm bà con phấn khởi đưa con em mình đến trường nhận sách giáo khoa. Anh Pi Năng Trai ở xã Phước Trung khoe: Nhà nước quan tâm xây trường, phát sách giáo khoa cho các cháu, đồng bào mình ưng cái bụng lắm cán bộ ơi, tương lai con em mình sẽ tốt hơn.
Xuôi về vùng biển thuộc huyện Thuận Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Bá Lợi cho biết: Không khí rộn ràng lắm, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tất cả 26 trường học đều chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất. Huyện có 11.300 học sinh ở các cấp học bước vào năm học mới. Ngoài cơ sở trường lớp được sửa chữa, xây dựng bảo đảm, học sinh ở các xã, thôn vùng khó khăn còn nhận được sự trợ giúp của một số nhà tài trợ hàng nghìn bộ sách giáo khoa, vở, địa phương cũng đã đầu tư hơn ba tỷ đồng xây mới thêm 10 phòng học kiên cố và đóng mới 100 bộ bàn ghế cho học sinh Trường THCS Nguyễn Tiệm, xã Phước Dinh. Từ nguồn kinh phí của dự án kiên cố hóa trường lớp học và kinh phí của dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước đầu tư thêm 15 tỷ đồng, xây mới 26 phòng học có quy mô từ cấp bốn trở lên và sửa chữa hàng trăm phòng học khác. Như vậy, toàn huyện có sáu trường mầm non, 14 trường tiểu học và sáu trường THCS. Với hệ thống trường lớp như trên, tình trạng học ca ba sẽ chấm dứt kể từ năm học này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận Nguyễn Hồng Liêu, cho biết, toàn tỉnh hiện có 322 cơ sở giáo dục, bao gồm một trường cao đẳng sư phạm, một trường trung cấp nghề, 17 trường THPT, 58 trường THCS, 146 trường tiểu học, 100 cơ sở giáo dục mầm non. Ngoài số lượng học sinh các cấp, địa phương cũng đã huy động ba nghìn học viên theo học các lớp giáo dục thường xuyên THPT, 500 học viên phổ cập giáo dục THPT và 1.500 học viên ra lớp phổ cập giáo dục THCS. Trong năm học mới, toàn ngành tập trung đầu tư đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục. Cán bộ, giáo viên, học sinh tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục bằng hình thức xây dựng ngân hàng đề thi, kiểm tra các cấp trên cơ sở đó phân loại chính xác trình độ của học sinh và có phương pháp dạy phù hợp; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động dạy và học theo phương pháp mới, nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện thu hút học sinh gắn bó với trường lớp; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo tinh thần Chỉ thị 40 CT/T.Ư của Ban Bí thư. Đây là nội dung then chốt có ý nghĩa quyết định cho việc đầu tư nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “hai không” với bốn nội dung, bảo đảm khả năng dạy thật của giáo viên và kết quả học thật của học sinh.
Điều băn khoăn lớn nhất của tập thể cán bộ quản lý, thầy, cô giáo là, để đạt kết quả cao nhất trong việc rút ngắn khoảng cách kiến thức giữa học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với học sinh thành thị là việc giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Để làm tốt công tác này, các cấp có thẩm quyền cần thực hiện tốt Quyết định 112 của Chính phủ về việc hỗ trợ học sinh nghèo ở những vùng khó khăn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()