Điểm nhấn trong phong trào thi đua yêu nước của ngành GD&ĐT
LSO-Trong điều kiện cùng một lúc phải triển khai nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua, năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT đã chọn phong trào “Mỗi giáo viên khá, giỏi giúp đỡ ít nhất một đồng nghiệp phát triển; mỗi thầy cô giáo giúp đỡ ít nhất 2 học sinh tiến bộ” làm điểm nhấn cho các phong trào khác của ngành.
Giáo viên Trung tâm GDTX Cao Lộc hướng dẫn học sinh về công nghệ thông tin |
Từ năm 2011 đến nay, ngành đã tổ chức nhiều hội thi cán bộ quản lý giỏi, giáo viên giỏi để vừa nắm bắt được thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, chất lượng thực của giáo viên các cấp học; vừa phát hiện nhân tố mới, làm nòng cốt trong phong trào thi đua tại các nhà trường. Sau mỗi hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT đều nhắc nhở các giáo viên giỏi có trách nhiệm giúp đỡ đồng nghiệp tiến bộ theo tinh thần của phong trào thi đua “Mỗi giáo viên khá, giỏi giúp đỡ ít nhất 1 đồng nghiệp phát triển; mỗi thầy cô giáo giúp đỡ ít nhất 2 học sinh tiến bộ”. Khi triển khai ở cơ sở, phong trào này được thực hiện một cách linh hoạt hơn, không chỉ những giáo viên giỏi nhận giúp đỡ giáo viên còn yếu về chuyên môn, mà những giáo viên có “ưu thế” từng mặt cũng nhận giúp đỡ đồng nghiệp yếu từng mặt. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Bùi Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An nói rằng, việc giúp đỡ đồng nghiệp cùng phát triển mang ý nghĩa rộng; ví dụ giáo viên trẻ giúp đỡ giáo viên đã có tuổi về trình độ tin học, biết soạn giáo án điện tử, trình chiếu… giáo viên đã có thâm niên lâu năm giúp đỡ giáo viên trẻ xử lý tốt hơn các tình huống sư phạm… Trong năm học vừa qua nhà trường đã có 17 giáo viên khá, giỏi nhận giúp đỡ 16 đồng nghiệp tiến bộ trong từng mặt hoạt động. Do sự giúp đỡ này là thường xuyên, liên tục với tinh thần đồng chí đồng nghiệp, trên cơ sở sự khiêm tốn chân tình của người giúp đỡ và sự cầu thị của người được giúp đỡ, nên tất cả đã có sự tiến bộ trong từng mặt. Theo thống kê của ngành, trong năm học 2012-2013 đã có 4517 giáo viên khá, giỏi từ cấp tiểu học đến THPT nhận giúp đỡ 4919 đồng nghiệp. Cho dù mới thực hiện song đã có 2.811 giáo viên có chiều hướng phát triển tốt về chuyên môn, chiếm tỷ lệ 57,9% tổng số giáo viên được giúp đỡ; trong đó cấp THCS có 66,9% và cấp THPT có 62,6%.
Phong trào “ Mỗi thầy cô giáo tự nguyện dạy thêm ít nhất 2 tiết/ tuần không nhận thù lao để phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi” vẫn được duy trì với 161.645 tiết bồi dưỡng cho 27.453 học sinh vươn lên khá, giỏi và 103.476 tiết phụ đạo cho 59.265 học sinh chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó, phong trào “ Mỗi thầy cô giáo giúp đỡ ít nhất 2 học sinh tiến bộ”đã được đội ngũ nhà giáo đón nhận và thực hiện với tất cả tâm huyết và lòng nhiệt tình của mình. Trong năm học vừa qua đã có 8428 giáo viên nhận giúp đỡ cho 21.634 học sinh yếu kém từng mặt; kết quả đã có 14.919 học sinh tiến bộ đạt tỷ lệ 68,7% trong tổng số học sinh được giúp đỡ. Việc thực hiện biệt phái giáo viên khá, giỏi ở vùng thuận lợi đến hỗ trợ các trường vùng khó khăn cũng là mọt trong những giải pháp hay để nâng cao chất lượng đội ngũ. Tại đó, đội ngũ giáo viên trường khó khăn đã học tập được những kinh nghiệm của giáo viên trường vùng ngoài để tự nâng cao trình độ của mình.
Với các giải pháp đó, đội ngũ giáo viên toàn ngành đã có sự đồng đều hơn về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm. Theo kết quả kiểm tra nhận thức của giáo viên năm học 2011-2012, tỷ lệ giáo viên yếu còn 4,65% và kém còn 0,79%. Giáo viên gần gũi giúp đỡ học sinh còn có tác dụng giảm thiểu học sinh bỏ học, giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi; thống kê cuối năm học cho thấy tổng số giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia là 925 giải, trong đó có 131 giải quốc gia. Đặc biệt, em Hoàng Duy Khánh, học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Văn Tri đã giành giải nhất cấp tỉnh trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng với sản phẩm Máy gieo hạt mini DK; đạt Huy chương Vàng quốc tế giành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2013 với sản phẩm Người máy LVT2.
Các giáo viên đạt giải nhất trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS năm học 2012-2013 |
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, phong trào thi đua “Mỗi giáo viên khá, giỏi giúp đỡ ít nhất 1 đồng nghiệp phát triển; mỗi thầy giáo, cô giáo giúp đỡ ít nhất 2 học sinh tiến bộ” là điểm nhấn của các phong trào thi đua năm 2012. Gọi là điểm nhấn vì nó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời nó còn tạo thuận lợi cho các phong trào khác, đặc biệt là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” mang tính bền vững cao. Với lợi thế không tốn thời gian và tiền bạc, việc giúp đỡ lẫn nhau vừa mang tính chuyên môn, vừa xây dựng, củng cố tình đồng chí, đồng nghiệp, tăng thêm sự đoàn kết nhất trí trong công tác và giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày; tính tự giác của phong trào giúp mỗi thầy cô giáo lại tự hoàn thiện mình trong sự tiến bộ chung của đồng nghiệp. Vì vậy, cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, phong trào này được duy trì ở cơ sở đã và sẽ trở thành nếp nghĩ, việc làm thường xuyên của các nhà giáo ở tất cả các nhà trường.
Ý kiến ()