Ðiểm nhấn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Xe, máy thi công tại gói thầu tỉnh Hải Dương. Tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây thuộc vùng đồng bằng sông Hồng với sự phát triển chuỗi đô thị dọc trục quốc lộ 5 (bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), có mức độ tập trung sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cao, đang từng bước vươn lên khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.Trong đó, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ, là động lực phát triển cho khu vực kinh tế phía bắc. Từ khi gia nhập WTO, tam giác kinh tế này càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu giao thông - vận tải hàng hóa và du lịch là rất lớn. Chính vì thế, Chính phủ đã quyết định đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.Hiện nay, đường giao thông nối Hà Nội với Hải Phòng chỉ có quốc lộ 5, đã được đầu tư xây...
Xe, máy thi công tại gói thầu tỉnh Hải Dương. |
Trong đó, tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ, là động lực phát triển cho khu vực kinh tế phía bắc. Từ khi gia nhập WTO, tam giác kinh tế này càng phát triển mạnh mẽ, nhu cầu giao thông – vận tải hàng hóa và du lịch là rất lớn. Chính vì thế, Chính phủ đã quyết định đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Hiện nay, đường giao thông nối Hà Nội với Hải Phòng chỉ có quốc lộ 5, đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp lên bốn đến sáu làn xe, theo tiêu chuẩn đường cấp I (đồng bằng) hoàn thành năm 1998. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của các khu công nghiệp và các cụm dân cư dọc theo hai bên quốc lộ 5, cho nên tuyến đường thường xuyên bị kẹt xe, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ra cảng Hải Phòng. Vì vậy, việc xây dựng một tuyến đường cao tốc để giải tỏa ách tắc cho quốc lộ 5 là rất cấp bách.
Đây là dự án trọng điểm Quốc gia của ngành giao thông vận tải, là dự án đường ô-tô cao tốc đầu tiên của Việt Nam được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến đường khởi đầu từ điểm nối với vành đai III – Hà Nội, đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, đến điểm cuối ở đập Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng. Toàn tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với tổng chiều dài 105,5 km, có sáu nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ, 9 cầu lớn, 21 cầu trung bình, 124 cống chui và cầu vượt dân sinh; tuyến đường được thiết kế hệ thống thu phí tự động khép kín, các thiết bị hiện đại kiểm soát và điều hành giao thông trên đường. Đây là một con đường hiện đại nhất Việt Nam, tổng chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m trong đó bề rộng mặt đường 33 m với sáu làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết; theo thiết kế, tốc độ lưu thông cho phép đạt 120 km/giờ.
Dự án được trải dài trên địa bàn bốn tỉnh, thành phố; cần thu hồi hơn 1.000 ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) để làm đường và các nút giao thông, các điểm dịch vụ phục vụ cho việc vận hành con đường. Để giải phóng mặt bằng, thi công toàn tuyến sẽ phải di dời khoảng hơn 1.250 hộ dân, làm lại 60 km kênh mương, di chuyển 480 cột điện, di chuyển hơn 8.000 ngôi mộ… Dự án được chia thành Tiểu dự án giải phóng mặt bằng và Dự án thi công xây dựng đường ô-tô cao tốc. Riêng dự án thi công xây dựng được chia thành mười gói thầu và chỉ thực hiện đấu thầu với các nhà thầu đủ khả năng về vốn, kinh nghiệm và nhân sự thi công.
Với thiết kế sáu làn xe chạy cao tốc, còn có hai làn đường gom phục vụ ô-tô, xe gắn máy, giao thông của cư dân địa phương hai bên đường, nằm ở độ cao thấp hơn vài mét so với các làn đường cao tốc. Vì vậy, sẽ không thể có chuyện “xé rào” vào cao tốc nhưng cũng không làm con đường bị cô lập, cách biệt với cư dân hai bên. Theo thiết kế này, các loại xe ô-tô, đặc biệt các xe công-ten-nơ siêu trường, siêu trọng có thể chạy thẳng tới cảng biển lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Không những thế, tuyến đường còn làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn khi có 15 khu đô thị và công nghiệp mới được xây dựng hai bên đường.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, đầu tư đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lại cấp bách cho nên việc Chính phủ giao cho các ngân hàng huy động vốn, các công ty cùng góp vốn đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư.
Vào đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5-2008, dự án đã được khởi công với số vốn dự kiến là 24.566 tỷ đồng theo cơ chế tài chính được Chính phủ cho phép thí điểm. Thực tế thi công đến nay khẳng định đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã cơ bản bảo đảm được tiến độ. Việc Thường trực Chính phủ giao Ngân hàng Phát triển (NHPT) Việt Nam thực hiện Dự án cũng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, NHPT Việt Nam vẫn đang đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án trọng điểm của Nhà nước, các dự án xã hội hóa, các dự án ở vùng khó khăn và các mặt hàng xuất khẩu theo danh mục ưu tiên do Chính phủ quy định.
Con đường này đã rút kinh nghiệm từ dự án quốc lộ 5 cũ, ban đầu cũng được kỳ vọng là đường “cao tốc” đầu tiên ở Việt Nam, nhưng vừa hoàn thành đã trở thành “thấp tốc” khi người dân tự dỡ bỏ rào chắn; chợ tạm, bến xe ôm, đường ngang ngõ tắt, nhà dân, khu công nghiệp “mi-ni” mọc lên lổn nhổn hai bên. Vì vậy, để đúng với tên gọi đường cao tốc, tuyến đường được mở hầu như chỉ đi qua những cánh đồng, ít đi qua các khu dân cư, làng mạc, tất cả các điểm giao cắt đều được xây dựng cầu vượt, cầu chui dân sinh. Chỉ riêng việc mở đường xuyên qua ruộng đồng và chủ động giải phóng mặt bằng từ năm 2009, giúp cho dự án có ngay 99,6% mặt bằng sạch, đã giúp tiết kiệm chi phí đầu tư được hàng chục nghìn tỷ đồng.
Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội đặc biệt quan trọng. Sau khi hoàn thành, tuyến đường hiện đại này sẽ hợp cùng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh… tạo nên mạng lưới giao thông khá đồng bộ và hiện đại. Trong tương lai không xa, từ đập Đình Vũ – điểm cuối con đường, sẽ có thêm tuyến đường cao tốc và cầu vượt biển đến Cát Hải, đồng thời cảng Lạch Huyện sẽ được xây dựng thành một trong những cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Các dự án này sẽ phát huy hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội các địa phương nằm trong khu vực của chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có thể nói, dự án là một dấu mốc trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thời kỳ hội nhập.
Theo Nhandan
Ý kiến ()