Điểm nhấn trong các Lễ hội xuân Xứ Lạng
Thi đấu môn kéo co tại hội Lồng tồng Pác Lạn, xã Đào Viên (Tràng Định) |
Lễ hội ở các vùng quê của Lạng Sơn thường được xây dựng và gắn liền với các di tích lịch sử; di tích thờ các vị thần linh (người có công khai thần, giữ nước) từ các triều đại trước. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị tâm linh truyền thống. Tại các địa danh có di tích lịch sử, di tích văn hóa, cấp ủy, chính quyền sở tại đều tổ chức lễ hội nhằm thu hút du khách mọi miền tới dự, nâng nén nhang cầu may, cầu phúc, cầu tài. Qua đó cùng cảm nhận, hưởng thụ và giao lưu văn hóa dân gian; đồng thời tham gia trò chơi dân gian, giao lưu thể thao.
Theo thống kê của ngành chức năng, trước đây, trên địa bàn tỉnh ta có gần 300 lễ hội lớn, nhỏ; trong đó lễ hội “Lồng tồng” thường gọi là lễ hội xuống đồng chiếm gần 90%. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, lễ hội đã mai một đi, chỉ còn tồn tại khoảng 100 lễ hội. Một trong những nguyên nhân lễ hội giảm là do công tác tổ chức lễ hội bị coi nhẹ, phần lễ, hội tẻ nhạt, không có các trò chơi hấp dẫn thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trong 5 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tiếp nhận nguồn kinh phí của Bộ VHTTDL chỉ đạo, tổ chức phục dựng trên 10 lễ hội với các hoạt động văn hóa- thể thao đầy ý nghĩa. Trong suốt nhiều năm duy trì, công tác tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực. Các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp với Ban quản lý các đền, chùa tổ chức lồng ghép các nội dung văn hóa văn nghệ- trò chơi dân gian gắn kết tổ chức các giải thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố, cờ tướng, chạy việt dã, biểu diễn võ dân tộc, múa sư tử, tung còn, đánh yến… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi lành mạnh tại nơi tổ chức lễ hội. Tiêu biểu như lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng với các môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền và cờ tướng. Tại lễ hội Chùa Bắc Nga (Cao Lộc) tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng, Trung tâm Văn hóa- Thể thao đã tổ chức thi biểu diễn võ dân tộc, múa sư tử, nhảy bao bố, kéo co. Lễ hội Đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) tổ chức vào ngày 27 tháng Giêng tổ chức giải cầu lông, bóng bàn… Nhìn chung, các lễ hội đều có nội dung thi đấu các giải thể thao.
Để các hoạt động đầu năm thực sự có ý nghĩa, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 03/KH-UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động đón Tết Ất Mùi 2015; trong đó đề cao công tác tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức lễ hội thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, Ban Tổ chức các hoạt động mừng Đảng – mừng Xuân Ất Mùi 2015 của tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành xây dựng chỉ đạo mỗi huyện, thành phố chọn một lễ hội làm điểm chỉ đạo. Theo đó, cả tỉnh sẽ có 12 lễ hội điểm trên địa bàn 11 huyện và thành phố; riêng thành phố chọn 2 Lễ hội Đền Kỳ Cùng và Lễ hội Đền Tả Phủ làm điểm chỉ đạo. Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các hoạt động lễ hội được tổ chức lồng ghép các môn thể thao dân tộc như: bóng đá, cầu lông, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo. Cùng với các sự kiện lễ hội chính của tỉnh, Sở VHTTDL đã xây dựng chương trình hoạt động thể thao trong quý I/2015 nhằm hướng dẫn các cấp tổ chức các hoạt động TDTT theo định hướng kế hoạch chung của ngành. Cũng trong dịp lễ đầu năm, các huyện và thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể thao đầu năm. Thông qua hoạt động thể thao tại lễ hội góp phần khích lệ phong trào thể thao quần chúng trong xã hội ngày một phát triển; qua đó sẽ là tiền đề cho việc lựa chọn các hạt nhân phong trào thể thao tại cơ sở.
Có thể thấy rằng, công tác tổ chức lễ hội trong dịp đầu năm 2015 được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo; hoạt động lễ hội được gắn kết giữa hoạt động văn hóa với thể thao. Thông qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tạo không khí phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và tạo động lực mới trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ý kiến ()