Điểm nhấn phát triển hạ tầng Xứ Lạng
LSO-Dự án công trình cầu Kỳ Cùng và 7 dự án khác được tỉnh xác định là dự án trọng điểm trong năm 2018 đã và đang được UBND tỉnh ban hành cơ chế điều hành đặc biệt, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cũng như huy động mọi nguồn vốn để các công trình hoàn thành đúng kế hoạch tiến độ đã đặt ra ngay từ đầu năm. Các công trình đang dần hiện hữu, là điểm nhấn về hạ tầng trong quá trình hội nhập, phát triển của Xứ Lạng.
Nhà thầu tập trung thiết bị phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công |
Năm 2018, tỉnh xác định 8 danh mục dự án trọng điểm tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ gồm: 6 dự án hạ tầng giao thông (công trình cầu Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn; đường phục vụ xuất nhập khẩu đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); đường Lũng Vài – Bản Pẻn (các dự án tập trung chỉ đạo hoàn thành trong năm 2018); đường đến trung tâm xã Xuân Dương – Ái Quốc (huyện Lộc Bình) và xã Thái Bình (huyện Đình Lập); đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định; dự án hạ tầng cơ bản các tỉnh vùng Đông Bắc đường Hoa Thám – Quý Hòa – Vĩnh Yên hợp phần tỉnh Lạng Sơn). Hai dự án giải phóng mặt bằng gồm: dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy lợi Bản Lải (các dự án tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ).
Công trình cầu Kỳ Cùng kết nối giữa trung tâm buôn bán nhộn nhịp khu vực phía Bắc với trung tâm hành chính tỉnh phía Nam của thành phố có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng đang được chủ đầu tư và nhà thầu dồn toàn lực hoàn thành trong năm 2018. Với thiết kế mái vòm một nhịp, bề rộng mặt cầu 21 m, kết cấu vĩnh cửu được đánh giá là công trình giao thông kiến trúc đặc sắc nhất tại thành phố đến thời điểm hiện nay. Công trình này kết hợp với các công trình văn hóa tâm linh nằm hai bên bờ Bắc, bờ Nam dòng sông Kỳ Cùng và tổ hợp Trung tâm thương mại VinCom sẽ tạo ra một cụm công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa du lịch tâm linh hiện đại, thơ mộng giữa lòng thành phố trẻ biên giới đầy tiềm năng phát triển.
Một dự án trọng điểm khác cũng đang được tỉnh tập trung chỉ đạo, phấn đấu năm 2018 phải hoàn thành đưa công trình vào khai thác là dự án đường phục vụ xuất nhập khẩu đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh với Khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc). Với người dân Lạng Sơn, đây không chỉ là công trình đường giao thông góp phần giải tỏa hàng hóa vào những ngày cao điểm, công trình này cộng với hệ thống các dự án khác đang trong giai đoạn hoàn thiện sẽ tạo cho khu vực cửa khẩu Tân Thanh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại trước năm 2020. Không những vậy, các công trình hạ tầng giao thông còn góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa cửa khẩu Tân Thanh phát triển trong tương lai.
Sẽ thiếu sót nếu như không nhắc tới dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đoạn thành phố Bắc Giang – Chi Lăng và đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị. Đây là dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư đang được tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự án này được ví như công trình hạ tầng giao thông xương sống để Lạng Sơn cất cánh sau năm 2020, khi toàn dự án được hoàn thành đưa vào khai thác với tổng chiều dài qua địa bàn tỉnh khoảng 90 km quy mô 4 làn xe.
Các dự án còn lại đều đang được thi công đúng tiến độ. Đối với thành phố Lạng Sơn, với quyết tâm xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng kinh tế tầm cỡ khác như: dự án cầu 17/10 đã hoàn thành, các dự án khu tái định cư, dân cư Nam thành phố; dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 700 giường và dự án trung tâm thương mại, khách sạn VinCom đang trong giai đoạn hoàn thiện… cho thấy bức tranh nhiều màu sắc và định hình rõ nét về đô thị hiện đại trên mảnh đất Xứ Lạng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí Lạng Sơn những ngày đầu năm 2018, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh nhấn mạnh: Các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh phải hoàn thành trong năm 2018 như: dự án cầu Kỳ Cùng; đường xuất nhập khẩu đấu nối cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); đường Lũng Vài – Bản Pẻn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cũng như vận dụng linh hoạt cơ chế huy động nguồn vốn để các dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Đối với dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, ngay sau khi dự án được tái khởi động, tỉnh đã quyết liệt ngay từ đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Kết quả đạt được là vô cùng to lớn, chỉ trong thời gian khoảng 9 tháng, tổng chiều dài gần 44 km đoạn Bắc Giang – Chi Lăng với diện tích sử dụng đất hơn 400 ha thuộc tỉnh đã cơ bản giải phóng xong và bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Từ thực tế triển khai dự án đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu đối với công tác giải phóng mặt bằng để tỉnh tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các dự án thực hiện công tác giải phóng mặt bằng có hiệu quả hơn.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()