Điểm mới về quản lý BOT giao thông
Tại cuộc họp báo định kỳ, chiều 29-9, của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhiều thông điệp mới tích cực về quản lý dự án BOT giao thông đã được đưa ra: Theo đó, Lãnh đạo Bộ GTVT cam kết, từ nay đến hết năm 2017, tất cả thông tin về thời gian, mức thu các dự án BOT giao thông sẽ được công khai rõ ràng, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay tại các trạm thu phí để người dân giám sát, kiểm tra.
Nếu có gian lận, nhà đầu tư phải hoàn lại số tiền sai lệch gấp ba lần; dừng toàn bộ kíp thu phí, thậm chí quyền thu phí để đưa lực lượng thu phí của nhà nước vào thay thế.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 10-2016, tất cả 45 trạm BOT đang thu phí trên toàn quốc sẽ phải giảm mức thu từ 10%-15%. Hiện, đã có 26 trạm giảm phí; số trạm còn lại, Bộ GTVT sẽ làm việc với nhà đầu tư để giảm ngay trong tháng 10-2016. Bộ cũng sẽ yêu cầu các chủ đầu tư chấm dứt tình trạng thu phí thủ công.
Quốc hội vừa thông qua chương trình tăng cường phối hợp với HĐND các tỉnh, thành phố giám sát toàn diện và ngay từ đầu, nhằm ngăn chặn các sai sót ở tất cả các khâu của các dự án BOT và bảo đảm từ nay về sau, BOT không được tạo thế độc đạo “cưỡng bức phải đi”, phải để cho người dân có sự lựa chọn.
Đặc biệt, việc kiểm toán và giám sát thực tế các trạm thu phí để làm cơ sở tính toán lại thời gian hoàn vốn cũng là cần thiết. Trong công văn số 10507/BGTVT-VP ngày 7-9-2016, Bộ GTVT gửi Báo Nhân Dân cũng nhấn mạnh: Căn cứ quy định pháp luật và hợp đồng BOT, căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Kiểm toán năm 2015 thì dự án đầu tư theo hình thức BOT là lĩnh vực đầu tư công của nhà nước, tài sản hình thành từ dự án là tài sản công được hình thành thông qua hợp đồng với nhà đầu tư để thực hiện xây dựng công trình theo quy mô, thiết kế, chất lượng, chi phí… do Nhà nước quy định tại hợp đồng dự án. Nhà đầu tư được hoàn trả tiền đầu tư, lợi nhuận thông qua việc thu phí hoàn vốn. Mức phí này do Nhà nước quy định cụ thể trong khung mức phí Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC.
Thực tế, nhà đầu tư không có quyền ngăn cấm phương tiện tham gia giao thông, không có quyền định đoạt đối với tài sản hạ tầng giao thông, không có quyền tháo dỡ, thay đổi… đối với bất cứ hạng mục công trình giao thông đã đầu tư, mà không có sự kiểm soát, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đến khi kết thúc công tác xây dựng, việc xác định chi phí để hoàn trả nhà đầu tư, cho nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn được quy định cụ thể tại hợp đồng BOT, các khoản chi phí này đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, phù hợp với quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cho phép thực hiện…
Việc quản lý, sử dụng tài sản từ dự án BOT là đối tượng của Kiểm toán nhà nước. Kết quả của Kiểm toán nhà nước nói chung, cũng như kết quả kiểm toán đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nói riêng là thông tin quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, giám sát của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; giúp các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót gây thiệt hại cho Nhà nước trong hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư, công khai, minh bạch các bước, quá trình triển khai dự án…
Cả nước hiện có 86 trạm thu phí BOT do Bộ GTVT quản lý. Trong đó, có 45 trạm đang thu (trên quốc lộ và cao tốc): 16 trạm đang thu theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC. Theo văn bản số 8302/BTC-CST của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ngày 20-6-2016, nguyên tắc điều chỉnh mức phí phải bảo đảm hạn chế ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án và phải được sự đồng thuận của Nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng cho dự án…
Cùng với nguyên tắc này, những điều chỉnh nêu trên thực sự là những động thái và thông điệp mới tích cực về sự cầu thị và cải thiện trong cả nhận thức, cơ chế và yêu cầu quản lý nhà nước nói chung, về quản lý các dự án BOT giao thông nói riêng, hài hòa lợi ích, đáp ứng nguyên tắc thị trường có sự quản lý nhà nước và được người dân đồng thuận.
Theo Nhandan
Ý kiến ()