Điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích, hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống.
Sửa đổi cơ bản chế định xóa án tích
Qua nghiên cứu, phân tích có các nội dung quan trọng đáng lưu ý. Thứ nhất, khoản 2 Điều 69 và Điều 107 của BLHS năm 2015 quy định rõ năm trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Đó là: người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; người được miễn hình phạt.
Thứ hai, khoản 2 Điều 70 của BLHS giữ nguyên thời hạn một năm để được xóa án tích (đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo), đồng thời, rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn hai năm đối với trường hợp bị phạt tù đến 5 năm; 3 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 5 năm đến 15 năm; và 5 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Riêng trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
Thứ ba, BLHS năm 2015 quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999 theo hướng kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.
Thứ tư, BLHS năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, đồng thời, giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 70 của BLHS.
Thứ năm, đối với trường hợp xóa án tích do Tòa án quyết định, BLHS năm 2015 (Điều 71) cũng đã rút ngắn thời hạn xóa án tích và quy định thời điểm để tính thời hạn xóa án tích sớm hơn so với BLHS năm 1999.
Thứ sáu, cùng với việc bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung quy định pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích khi nếu trong thời hạn hai năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới (Điều 89).
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lý lịch tư pháp
Với những điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như trên của BLHS năm 2015, kết hợp với các quy định có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, chúng tôi nhận thấy, có một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật về LLTP để bảo đảm sự phù hợp với BLHS và BLTTHS.
Thứ nhất, theo quy định mới của BLHS năm 2015 thì ngoài năm trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích như đã nêu trên, diện những người bị kết án phải mang án tích còn lại là rất hẹp so với quy định của BLHS năm 1999, theo đó, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ bị coi là có án tích trong trường hợp: (1) bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (2) bị kết án do lỗi cố ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng. Hoặc, người từ đủ 18 tuổi trở lên chỉ bị coi là có án tích trong trường hợp: (1) bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; (2) bị kết án do lỗi cố ý về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
Do vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp về đối tượng quản lý LLTP cũng như các quy định về phạm vi lập hồ sơ LLTP; loại giấy tờ mà các cơ quan phải gửi cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP; …
Thứ hai, BLHS đã rút ngắn thời hạn xóa án tích và điều chỉnh mốc tính thời hạn xóa án tích sớm hơn. Đây là những quy định làm cơ sở cho việc điều chỉnh các quy định có liên quan đến việc xác minh điều kiện xóa án tích; cập nhật thông tin về án tích.
Thứ ba, BLHS đã giao hẳn cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên của người bị kết án. Do vậy, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cần phải đề cao trách nhiệm của mình và phải chủ động trong việc theo dõi, cập nhật thông tin về án tích, đặc biệt là trong việc tiến hành xác minh các điều kiện đương nhiên xóa án tích để bảo đảm đáp ứng thời hạn cấp Phiếu LLTP liên quan trường hợp đương nhiên xóa án tích quy định trong BLTTHS nêu trên.
Nguyễn Văn Hoàn (Vụ Pháp luật Hình sự -Hành chính, Bộ Tư pháp)
Vấn đề xóa án tích được quy định tập trung tại Chương X của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 gồm 5 điều luật (từ Điều 69 đến Điều 73) và tại một số điều thuộc các chương khác của phần những quy định chung (Điều 89 quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án thuộc chương XI và Điều 107 quy định về xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thuộc chương XII).
BLHS năm 2015 có bảy điều luật quy định về vấn đề xóa án tích (tăng một điều so với BLHS năm 1999), trong đó có một điều (Điều 72) được giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999; một điều (Điều 89) được bổ sung mới và năm điều (các điều 69, 70, 71, 73 và 107) được sửa đổi, bổ sung.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()