"Điểm mặt" 20 công ty đứng sau hơn 55% chất thải nhựa của thế giới
Năm 2019, thế giới có hơn 130 triệu tấn nhựa sử dụng một lần đã bị vứt bỏ, trong đó phần lớn được đốt, chôn trong bãi rác, hoặc đổ trực tiếp ra biển hay trên đất liền. Một báo cáo mới đã chỉ ra 20 công ty chiếm hơn một nửa tổng số rác thải nhựa sử dụng một lần này.
98% nguyên liệu nhựa từ nhiên liệu hóa thạch
Báo cáo do Tổ chức Minderoo của Australia công bố ngày 18-5, đưa ra một trong những tính toán đầy đủ nhất cho đến nay về các công ty đứng sau sản xuất nhựa sử dụng một lần. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, rác thải nhựa có thể chiếm tới 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2050.
Đồ nhựa dùng một lần như túi, ống hút, chai lọ và bao bì thường được vứt bỏ ngay sau khi sử dụng.
Theo báo cáo, gần như tất cả nhựa sử dụng một lần do các công ty này sản xuất – chiếm 98% – được làm từ nguyên liệu “nguyên sinh” (dựa trên nhiên liệu hóa thạch) chứ không phải nguyên liệu tái chế.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.200 cơ sở sản xuất trên toàn cầu tạo ra năm loại polymer chính trong nhựa sử dụng một lần: polypropylene (PP), polyethylene mật độ cao (HDPE), polyethylene mật độ thấp (LDPE), polyethylene mật độ thấp tuyến tính (LLDPE) và polyethylene terephthalate (PET).
Các nhà nghiên cứu cho biết, 1.200 cơ sở đó thuộc sở hữu và vận hành của khoảng 300 công ty, nhưng 100 cơ sở hàng đầu cho đến nay là đóng góp lớn nhất, tạo ra khoảng 90% tổng lượng rác thải nhựa sử dụng một lần trên toàn cầu.
Đứng đầu danh sách 20 công ty là nguồn của 55% rác thải nhựa là hai công ty Mỹ gồm tập đoàn năng lượng khổng lồ Exxon Mobil và công ty Dow Chemical, tiếp theo là công ty Sinopec của Trung Quốc. Báo cáo cho thấy, Exxon Mobil chịu trách nhiệm cho 5,9 triệu tấn rác thải nhựa vào năm 2019, trong khi Dow và Sinopec đóng góp lần lượt 5,6 triệu tấn và 5,3 triệu tấn. Tổng hợp lại, theo báo cáo, ba công ty chiếm 16% tổng lượng rác thải từ nhựa sử dụng một lần như chai lọ, túi xách và bao bì thực phẩm.
Trong một tuyên bố, Exxon Mobil cho biết, họ “chia sẻ mối quan tâm của xã hội về rác thải nhựa”. Công ty cho biết đang “hành động để giải quyết rác thải nhựa” nhưng vấn đề này đòi hỏi phải cùng hành động tập thể từ “ngành công nghiệp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và người tiêu dùng”.
Vòng quay của cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa giống nhau
Báo cáo cũng truy tìm số tiền đầu tư vào sản xuất nhựa sử dụng một lần, và lập ra bảng xếp hạng 20 nhà quản lý tài sản tổ chức nắm giữ cổ phần trị giá gần 300 tỷ USD. Trong đó, ba nhà đầu tư hàng đầu là Vanguard Group, BlackRock và Capital Group có trụ sở tại Mỹ, theo báo cáo ước tính có khoảng 6 tỷ USD đầu tư vào sản xuất nhựa sử dụng một lần.
Trong một tuyên bố kèm theo báo cáo, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore cho biết: “Quỹ đạo của cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng rác thải nhựa rất giống nhau, và ngày càng gắn bó với nhau”.
“Do hầu hết nhựa được làm từ dầu và khí đốt, đặc biệt là khí đốt, việc sản xuất và tiêu thụ nhựa đang trở thành động lực quan trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu, đã tạo ra phát thải khí nhà kính ở quy mô tương đương với một quốc gia lớn và gây ra sự phát thải của các độc tố có hại từ các cơ sở sản xuất nhựa vào các cộng đồng lân cận, gây hại cho người da màu và những người ở cộng đồng thu nhập thấp”, ông cho biết.
Báo cáo cảnh báo rằng, trong 5 năm tới, năng lực toàn cầu để sản xuất các vật liệu cần thiết cho nhựa sử dụng một lần có thể tăng hơn 30%.
“Một thảm họa môi trường đang dần hiện hữu: phần lớn chất thải nhựa sử dụng một lần sẽ trở thành chất ô nhiễm ở các nước đang phát triển có hệ thống quản lý chất thải kém”, báo cáo cho biết.
Nhà sản xuất, nhà đầu tư, ngân hàng và các quốc gia cần hành động
Các tác giả cho rằng, để giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ từ các nhà sản xuất, nhà đầu tư và ngân hàng. Các nhà sản xuất polymer, vật liệu để tạo nên khối nhựa, nên bắt đầu tiết lộ “dấu vết” của rác thải nhựa sử dụng một lần, trong khi đó, các ngân hàng và nhà đầu tư nên chuyển sang “loại bỏ hoàn toàn” bất kỳ khoản tài trợ nào dành cho việc sản xuất sử dụng chất dẻo.
Nhưng các tác giả cũng lưu ý rằng, để đối mặt với thách thức cũng sẽ cần “ý chí chính trị to lớn”, vì tính theo giá trị thì khoảng 30% của ngành này là thuộc sở hữu nhà nước.
Ở một động thái khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm nhập khẩu chất thải nhựa polyethylene (PE) khi các nhóm môi trường gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tiêu thụ nhựa trên thế giới và thiếu tái chế hiệu quả.
Trong một sửa đổi được công bố trên Công báo của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18-5, Bộ Thương mại nước này đã bổ sung nhựa polyethylene vào danh sách các vật liệu phế thải được nhập khẩu bất hợp pháp. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau 45 ngày.
Nhóm môi trường Hòa bình Xanh Địa Trung Hải hoan nghênh thông tin này, gọi đây là “bước rất quan trọng hướng tới mục tiêu không nhập khẩu chất thải” như Bộ Môi trường và Đô thị hóa Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra. 74% chất thải nhựa mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu vào năm ngoái giờ sẽ nằm trong danh sách cấm.
Hiệp hội các nhà công nghiệp nhựa Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích lệnh cấm, và cho rằng, Bộ đã không tham khảo ý kiến của các đại diện trong ngành.
Chủ tịch của Hiệp hội Selcuk Gulsun cho biết: “Lệnh cấm khiến ngành nhựa của nước ta rơi vào bế tắc”, đồng thời kêu gọi rút lại biện pháp này.
Nhựa polyethylene là một trong những loại nhựa được sản xuất rộng rãi nhất trên thế giới.
Ý kiến ()