Điềm He: Triển vọng kinh tế từ trồng thanh long
– Những năm gần đây, người dân xã Điềm He, huyện Văn Quan đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã.
Là một trong những gia đình đầu tiên trồng cây thanh long trên địa bàn xã, anh Lý Văn Tâm, thôn Nà Súng cho biết: Từ năm 2012, nhận thấy quả thanh long ngoài thị trường có giá bán khá cao so với các loại quả khác, tôi đã tận dụng diện tích đất ở chân đồi và mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng 100 gốc thanh long. Sau gần 2 năm chăm sóc, vườn thanh long bắt đầu cho quả, mỗi năm thu 5 đợt, mỗi đợt từ 2 đến 3 tạ quả, đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm. Nhận thấy cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm tôi đều trồng mới, mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình tôi có gần 500 gốc thanh long. Để cây có chỗ bám, tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông chắc chắn. Hiện đang là đợt thu thứ 5 trong vụ, ước hết vụ gia đình thu về hơn 3 tấn quả, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng.
Người dân thôn Nà Bung, xã Điềm He chăm sóc vườn thanh long
Tương tự gia đình anh Tâm, hộ ông Lý Văn Sủi, thôn Nà Bung hiện cũng đang phát triển cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Sủi cho biết: Gia đình tôi hiện có gần 200 gốc thanh long đều đã cho thu hoạch quả. Để cây thanh long phát triển tốt, hằng năm, gia đình tiến hành phát cỏ và bón phân định kỳ 2 lần/năm. Theo chu kỳ, hằng năm, cây thanh long cho thu hoạch quả từ tháng 5 đến tháng 10 (âm lịch), mỗi vụ thanh long cho thu hoạch 5 đợt. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 2 tấn quả, mang về thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Không chỉ 2 gia đình trên, được biết, cây thanh long đã được một số hộ dân đưa về trồng trên địa bàn xã từ năm 2012. Tuy nhiên thời điểm đó, người dân chủ yếu trồng với quy mô nhỏ, lẻ, phục vụ nhu cầu của gia đình. Để người dân mở rộng diện tích, phát triển cây thanh long theo hướng hàng hóa, năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thuộc chương trình 30a, xã Vĩnh Lại cũ (nay là xã Điềm He) đã hỗ trợ người dân cây giống, phân bón với tổng kinh phí 180 triệu đồng.
Cùng đó, hằng năm, chính quyền xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, trong đó có cây thanh long để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, toàn xã đã có trên 7 ha diện tích trồng cây thanh long (nhiều nhất trên địa bàn huyện), đều đã cho thu hoạch quả; trồng tập trung ở các thôn: Nà Súng, Nà Bung và rải rác ở một số thôn khác. Giá bán quả thanh long đang dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, năng suất trung bình đạt từ 21 đến 23 tấn/ha, sản lượng đạt từ 150 đến 160 tấn/năm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ quả thanh long của người dân chủ yếu tại thị trấn Văn Quan và một số xã lân cận… Nhờ đó, người dân bước đầu có thu nhập ổn định từ trồng thanh long; hộ trồng ít cũng thu được từ 8 đến 10 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều có thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm.
Ông Lý Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Bước đầu đánh giá cây thanh long trồng trên địa bàn xã cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần so với trồng ngô, lúa. Để tiếp tục mở rộng diện tích, hướng đến phát triển cây thanh long thành cây trồng chủ lực trên địa bàn, hiện chính quyền xã đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân cây giống, phân bón từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 30a để trồng mới thêm 3,5 ha. Cùng đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để quả thanh long của bà con có đầu ra ổn định.
Với sự chủ động của người dân cùng sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tin tưởng rằng thời gian tới, sản phẩm quả thanh long của người dân trên địa bàn xã sẽ được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng mở, qua đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ý kiến ()