Điểm du lịch trải nghiệm nghề gốm
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Bảo tàng Nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là kiến trúc độc đáo với 7 vòng xoáy ốc lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm tạo thành.
Theo ông Trần Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng Nghề gốm Bát Tràng, kiến trúc trên vừa tạo nét đặc sắc cho công trình, vừa chứa đựng nét tinh hoa của nghề gốm.
Từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo tàng, ông Trần Trọng Hà cho rằng, Bảo tàng Nghề gốm Bát Tràng là bảo tàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại chứa đựng tinh hoa và giới thiệu về lịch sử nghề gốm. Chứng minh cho nhận định trên, ông Hà dẫn chúng tôi tham quan khu trưng bày lịch sử nghề gốm Việt Nam với nhiều hiện vật quý có niên đại thời Trần. Ngoài ra, kỹ thuật làm gốm của làng nghề Bát Tràng đã được giới thiệu sống động qua mô hình các lò gốm; các kỹ thuật tạo hình, trang trí hoa văn, tráng men, nung sản phẩm…
Kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Nghề gốm Bát Tràng. |
Theo quan sát, khu vực trải nghiệm làm nghệ nhân gốm với chủ đề “Bàn xoay” thu hút đông đảo du khách. Không gian trải nghiệm rộng hàng trăm mét vuông, có thể cùng lúc phục vụ hơn 100 du khách làm sản phẩm gốm. Tại đây, du khách được tự nhào nặn, tạo hình một sản phẩm gốm theo ý thích và được hỗ trợ nung sản phẩm để gói mang về. Bạn Nguyễn Duy Anh, sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Khi được bạn rủ sang Bát Tràng, em có chút phân vân vì từng đi nhiều lần. Nhưng lúc bạn giới thiệu về bảo tàng gốm, em cùng các bạn đã đi xe máy hơn 20km qua đây. Quả thật, bảo tàng rất độc đáo và có nhiều dịch vụ vui chơi hấp dẫn”.
Theo tìm hiểu được biết, kể từ khi mở cửa đón khách thử nghiệm từ ngày 30-4-2022, mỗi ngày Bảo tàng Nghề gốm Bát Tràng thu hút hàng trăm lượt người, có ngày cao điểm dịp cuối tuần đón tới 1.500 lượt. Được xây dựng từ năm 2018 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, bảo tàng nằm trong dự án “Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt” của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và Hiệp hội Làng nghề Hà Nội thực hiện nhằm mục đích phát triển làng nghề và lưu giữ nét truyền thống của nghề gốm. Dù vậy, theo ông Trần Trọng Hà, tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm của bảo tàng còn rất lớn. Ông Hà khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch truyền thông bài bản để thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn kết nối với các tuyến du lịch của huyện Gia Lâm và TP Hà Nội, biến nơi đây trở thành điểm du lịch trải nghiệm nghề gốm hấp dẫn”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()