Điểm chữa cháy công cộng: Góp phần nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở
– Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” góp phần phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở cơ sở, giúp người dân nâng cao ý thức, kỹ năng, chủ động phòng, chống cháy, nổ. Qua đó, giúp giảm thiệt hại về người và tài sản khi chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Công an phường Hoàng Văn Thụ tuyên truyền về PCCC cho người dân
Phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn là trung tâm giao lưu thương mại, văn hoá, du lịch của thành phố Lạng Sơn. Địa bàn có chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Giếng Vuông và phố đi bộ Kỳ Lừa… ở đó có nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh các mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Ông Phùng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Phường hiện có trên 3.000 hộ dân với gần 17.000 nhân khẩu. Để đảm bảo an toàn PCCC, từ cuối năm 2022, UBND phường đã tổ chức rà soát và lắp đặt 7 điểm chữa cháy công cộng nằm ở các con ngõ nhỏ, hẹp thuộc 6 khối trên địa bàn. Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo khối trưởng các khối tích cực tuyên truyền, vận động mỗi hộ dân tự trang bị bình chữa cháy và một số dụng cụ phá dỡ… để sẵn sàng ứng phó khi chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Được biết, từ tháng 6/2022 đến nay, toàn tỉnh có 148 điểm chữa cháy công cộng được lắp đặt tại các khu đông dân cư thuộc 11 huyện, thành phố. Nơi lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng là khu vực các ngõ, hẻm nhỏ tập trung đông dân cư có chiều dài tối thiểu từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được. Tại các điểm chữa cháy công cộng được trang bị các bình bột chữa cháy, dụng cụ phá dỡ như: kìm cộng lực, búa tạ, xà beng… Điểm chữa cháy được bố trí thuận lợi cho việc sử dụng, không cản trở lối đi của người dân và có biển thông báo.
Để đảm bảo người dân tại các khu vực có điểm chữa cháy công cộng biết và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy, từ năm 2022 đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH toàn tỉnh đã tổ chức 60 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và các đối tượng khác với gần 4.900 lượt người tham gia; tổ chức trên 880 cuộc tuyên truyền, tập huấn kiến thức về PCCC và CNCH với gần 83.400 lượt người tham gia. Tại các điểm chữa cháy công cộng, công an các phường, thị trấn đã đến từng khối phố, khu phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân.
Ông Trần Thanh La, người dân khối phố Lương Văn Tri, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Gia đình tôi sống ở khu vực đông dân cư, lại là khu họp chợ nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Từ khi có điểm chữa cháy công cộng lắp đặt tại khối phố, tôi được tham gia huấn luyện kỹ năng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm… nên tôi thấy yên tâm hơn. Nếu chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra, tôi và người dân xung quanh có thể sử dụng được bình chữa cháy, vòi phun nước để chữa cháy ngay sau khi phát hiện sự việc, giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Thượng tá Trần Văn Tương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Đối với chữa cháy, “thời điểm vàng” để dập tắt hoả hoạn chỉ có 3 đến 5 phút kể từ khi xuất hiện sự cố; đây là thời điểm đám cháy đang hình thành và phát triển chậm. “Điểm chữa cháy công cộng” là mô hình phát huy được vai trò của người dân trong tham gia thực hiện chữa cháy tại chỗ, góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, giúp củng cố lực lượng PCCC và CNCH ở địa bàn dân cư theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC, phát huy được vai trò của điểm chữa cháy công cộng, thời gian tới, lực lượng công an toàn tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với chính quyền cùng cấp rà soát và lắp đặt điểm chữa cháy công cộng tại các khu vực ngõ, hẻm nhỏ tập trung đông dân cư; tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia PCCC; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC, CNCH cho người dân, nhất là tại các khu vực đông dân cư, nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC…
Ý kiến ()